Hầu hết các hộ dân tái định cư đến nơi ở mới có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, sau khi di chuyển đến các khu, điểm tái định cư các dự án thủy điện, đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất nông nghiệp cao, dốc hơn, xa nơi ở, chưa được cải tạo. Một số khu, điểm tái định cư, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi hộ chưa đảm bảo theo quy hoạch tổng thể. Việc quản lý sau đầu tư các công trình còn hạn chế, không có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng khiến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh, đặc biệt là các công trình nước sinh hoạt và đường giao thông...
Nhiều hộ dân tự đầu tư vó bè để đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu. |
Nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững cho các vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn, vừa qua Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết về ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020.
Tỉnh Lai Châu dành 1.500 tỷ đồng để thực hiện trên gần 40 xã, phường, thị trấn có đồng bào tái định cư tập trung thuộc bốn dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu. Cụ thể, đến năm 2020, tại gần 40 địa bàn cơ sở nói trên, tỉnh Lai Châu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trên 17 tiêu chí/xã...
Tỉnh Lai Châu thực hiện rà soát, chi trả đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thực hiện hỗ trợ gạo cho các hộ tái định cư; hoàn thiện hồ sơ địa chính và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân, cá nhân và tổ chức trong vùng; ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng. Tỉnh quan tâm đầu tư các bến tàu, bến đò ngang đã được quy hoạch phục vụ việc đi lại giao thương của nhân dân; giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, cải tạo đất nông nghiệp bạc màu; thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tăng cường phối hợp nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh nông thôn; giải quyết kịp thời tranh chấp, khiếu kiện; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...