Cố để thoát nghèo
Tất bật làm cho xong mẻ đậu để kịp mang ra chợ chiều bán, chị Vàng Thị Lơi chỉ sang chồng, mỉm cười nói: “Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự chia sẻ và động viên của chồng. Anh cứ nghe chồng tôi kể thì biết”. Nói vậy, chị Lơi xin phép đi làm tiếp. Anh Vàng Văn Thắng là chồng chị Lơi ngồi bên cạnh cười tươi, nói “40 tuổi rồi, kinh tế cũng khấm khá, bảo cô ấy làm ít thôi nhưng đâu nghe. Suốt ngày tất bật…”.
Như bao gia đình nghèo đói dân tộc Thái ở bản Cang Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu), chị Vàng Thị Lơi luôn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, cuộc sống gia đình sung túc, đủ đầy. Năm 1993, đi họp Hội phụ nữ bản, biết mỗi hội viên được vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế, trong bụng chị mừng thầm vì sẽ có vốn để phát triển chăn nuôi. Nghe vợ kể, anh Thắng ủng hộ cách làm của chị và đi vay anh em trong bản thêm 3 triệu đồng để mua 3 cặp bê giống. Nhà có 4 nghìn mét vuông ruộng, nửa để trồng lúa, nửa trồng cỏ làm thức ăn cho bò, vợ chồng chị lại bỏ nhiều công chăm sóc nên đàn bò phát triển nhanh, sinh sản tốt. Mấy năm sau, gia đình bán một số bò để trả nợ, mua thêm trâu, dê để tiếp tục chăn thả và xây dựng mô hình trang trại.
Chị Lơi hướng dẫn chị em trong bản cách chăn nuôi. |
Gia đình chị Lơi hiện có 2 trang trại, tổng có 55 con bò, 10 con trâu và hơn 10 con dê và chăn nuôi lợn, gà. Năm 2012, đóng dòng thủy điện Bản Chát, nghĩ người dân sẽ cần thuyền đi lại trên sông nên chị Lơi bảo chồng đi học nghề cơ khí đóng thuyền bán. Nghe có lý, anh Thắng tìm hiểu rồi về tận Nam Định 3 tháng để học nghề. Học xong nghề, vợ chồng vay mượn tiền để mua máy móc và thuê thợ, lập xưởng đóng tàu. Hiện nay, nhu cầu mua thuyền đã bão hòa, nhưng anh Thắng nhẩm qua cũng đóng được 130 chiếc. Mỗi chiếc thuyền hoàn thành anh bán, trung bình lãi khoảng 10 - 30 triệu đồng…
Năm 1999, thấy chị Lơi là người năng động và làm kinh tế giỏi nên chị em phụ nữ trong bản bầu làm chi hội trưởng Hội phụ nữ bản Cang Mường. Việc nhà, việc xã hội chị đều gánh vác, đảm đang, được bố mẹ chồng và dân bản yêu quý. Năm 2004, chị Lơi nghỉ công tác phụ nữ, được cử lên tỉnh học sơ cấp y 3 tháng để về làm y tế thôn bản.
“Kinh tế khá giả, 3 đứa con đã trưởng thành, nhưng vợ tôi không chịu nghỉ tay, nghĩ hết cách này cách khác để làm kinh tế”, anh Thắng chia sẻ. Sáng 4 giờ, chị Lơi dậy làm đậu, 9 giờ đi chợ bán, buổi chiều 14 giờ làm và 17 giờ mang đi bán. Trừ chi phí, mỗi ngày chị Lơi để dành được 150 nghìn đồng, vừa có tiền, vừa có bã và nước đậu chăn nuôi lợn. Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình chị Lơi khoảng hơn 200 triệu đồng.
Vợ chồng chị Lơi cho biết, sẽ tiếp tục tìm nơi chăn thả để mua con giống làm thêm trang trại mới.
Giúp người khó
Bên cạnh việc lo phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, chị Lơi còn giúp đỡ những trường hợp trong xã khó khăn về con giống. Năm 2011, chị Lơi cho anh Vàng Văn Lăm (34 tuổi) ở cùng xã có hoàn cảnh khó khăn 1 con bê, đến nay đã phát triển thành 5 con bò. Năm 2007, chị Lơi cho anh Lò Văn Pành ở xã Tà Hừa 1 con bê và giờ cũng sinh sản, phát triển thành 5 con bò.
Anh Vàng Văn Lăm cho biết: “Gia đình đông con, kinh tế khó khăn, được chị Lơi cho 1 con bê và hướng dẫn chăn nuôi, giờ thành 5 con. Chị là người tốt, tôi biết ơn chị nhiều”. Anh Lăm không có bãi chăn thả, chị Lơi cho đưa vào trang trại và trông coi giúp.
Nói về gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên Tòng Thị Loan đánh giá mô hình kinh tế gia đình của chị Vàng Thị Lơi là hiệu quả. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số người phụ nữ như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị là tấm gương tự lực, có ý chí vươn lên làm kinh tế giỏi để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số học tập.
Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc làm kinh tế giỏi được tổ chức ngày 11/6 ở Nghệ An vừa qua, chị Vàng Thị Lơi là một trong 161 cá nhân được tuyên dương và tặng Bằng khen. Chị Lơi nói: “Tôi được tuyên dương là tấm gương phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi, bản thân rất vui và vinh dự. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương”.