Những bước đi thích hợp
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và dòng chảy sông Mê Kông. Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình mặn xâm nhập và hạn hán, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất đã xảy ra nghiêm trọng tại nhiều nơi ở ĐBSCL. Những tháng đầu năm 2016, do lưu lượng nước từ sông Mê Kông về ĐBSCL giảm mạnh cùng với các tác động của BĐKH và nước biển dâng đã khiến hầu hết các con sông đều bị mặn xâm nhập sâu từ 70 - 80 km, trong đó sông Vàm Cỏ (Long An) mặn xâm nhập sâu từ 90 - 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm vài chục km. Đây được xem là năm hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng chưa từng thấy trong 100 năm qua, đã và đang gây nhiều tác động xấu đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng.
Tại hội thảo “Đánh giá tác động của BĐKH lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở ĐBSCL” diễn ra tại thành phố Cần Thơ mới đây, theo các đại biểu, BĐKH đang làm gia tăng các hiện tượng thiên tai như hạn hán, mặn xâm nhập... là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, cần phải có các giải pháp ứng phó kịp thời. Trong đó, việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt là yêu cầu cấp thiết gắn với việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng sinh thái để thích ứng BĐKH và tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Mô hình nuôi tôm sú luân canh tôm - lúa được người dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) áp dụng đã phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Trên thực tế mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng hạn mặn đã được một số địa phương vận dụng thời gian qua đã đem lại thành công bước đầu. Chẳng hạn như tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua, ở các vùng khô hạn, mặn xâm nhập, tỉnh chủ trương không làm ba vụ lúa mà chỉ làm hai vụ lúa, một vụ màu và hiện cây đậu xanh đang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trong tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng như hiện nay.
Tại xã Khánh Bình Tây và Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời bà con trồng hơn 1.100 ha đậu xanh đều trúng mùa, được giá. Thậm chí, nhiều nông dân lợi dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất cao từ 2,5 - 3 tấn/ha và thương lái còn tới tận ruộng mua đậu xanh với giá từ 30.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh và đây là vụ mùa trúng nhất so từ trước đến nay bởi cây đậu đạt năng suất cao.
Thời gian gần đây, các Sở NN&PTNT vùng ĐBSCL đang đồng loạt triển khai cho nông dân nuôi tôm trong ruộng lúa sau khi có kết quả khả quan từ một số mô hình thí điểm. Đây là hình thức cây - con kết hợp, đã bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế cũng như tiết kiệm diện tích sản xuất. Điển hình như anh nông dân Hồ Văn Mười ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) đã kết hợp nuôi tôm trong 6 ha ruộng lúa, thu lãi hơn 60 triệu đồng/năm. Mặc dù năm nay nước ít hơn các năm trước, nhưng nguồn cá, tép từ đầu nguồn chảy về vẫn dư sức cung cấp thức ăn cho tôm trong ruộng, giúp ông không mất tiền mua thực phẩm mà tôm vẫn phát triển tốt.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, huyện hiện có hơn 60% diện tích đồng lúa được bà con tận dụng kết hợp trồng lúa đan xen nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. “Việc mạnh dạn bỏ một vụ lúa đông xuân, kết hợp mô hình “cây - con” là hướng đi đúng đắn, vừa giúp đất có thời gian phục hồi, tránh hiện tượng bạc màu khiến sản lượng nông sản vụ sau kém hơn vụ trước, vừa mang lại sự thảnh thơi cho bà con. Đây là mô hình “làm chơi ăn thiệt”, vì con tôm thành phẩm có giá trị cao, mà công nuôi rất nhàn so với nuôi tôm trong các vuông chuyên nghiệp”, ông Ngoan nói.
Huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ có tổng diện tích hơn 25.500 ha đất trồng lúa, hiện có gần 14.000 ha được kết hợp nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Tiếp xã Thới Hưng, chủ nhân của mô hình “lúa - tôm” kết hợp, cho biết năm nay tổng diện tích 3 ha “lúa - tôm” đã giúp ông “thu hoạch” được gần 200 triệu đồng tiền lãi. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ nhìn nhận: “Vùng ĐBSCL được xác định là vùng chiến lược về cung cấp hàng nông sản cho cả nước cũng như xuất khẩu, thế nhưng thu nhập của bà con lại chưa cao tương xứng. Do đó việc áp dụng mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa được đánh giá cao về tính khả thi, giúp bà con tăng thu nhập cũng như sự thích ứng với ĐBKH, nước biển dâng gây xâm ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL”.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Nhiều năm trước đây, năng suất lúa gạo của vùng ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh không chỉ đã “cứu nguy” cho đất nước ở những giai đoạn khó khăn mà còn đưa đất nước trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới. Nói một cách không chủ quan, vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là vựa lúa của quốc gia và sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa gạo nhờ tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế sẵn có, tăng sản lượng bằng mọi giá đã trở nên lạc hậu và được nhận thức lại. Bởi sản xuất nhiều lúa gạo không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực và giúp nông dân làm giàu.
Việc thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp hình thành những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Những mô hình đó đã góp phần hiện thực hóa một mục tiêu quan trọng khác là tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống trước thách thức BĐKH, nước biển dâng. Thế nhưng, nhiều ý kiến chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cho đến nay công cuộc cơ cấu lại cây trồng vật nuôi tùy thuộc vào điều kiện sinh thái vùng sản xuất ở từng địa phương của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra khá chậm chạp. Hiệu quả từ những mô hình kể trên chỉ là vài “nốt son” nhỏ trong bức tranh sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL vốn còn chịu đựng những hệ quả từ cách làm nông nghiệp lạc hậu và chậm đổi mới trước đây. Thực tế đã chứng minh khi hàng trăm ngàn ha lúa, cây hoa màu, kể cả thủy sản bị thiệt hại trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt này. Hệ thống thủy lợi chưa đủ khả năng khép kín để bảo vệ vùng sản xuất ngọt hóa, chưa đáp ứng yêu cầu cho nuôi trồng thủy sản và quan trọng là thiếu sự linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp được xem như là một cách ứng phó mềm dẻo đối với BĐKH.
Điều đáng nói hơn nữa là mặc dù trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã vạch rõ hướng đi, đích đến, lộ trình với các nhóm giải pháp để thực hiện nhằm đáp ứng đa mục tiêu chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu này diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra vô cùng phức tạp thì đòi hỏi các nhà khoa học, từ khí tượng thủy văn cho đến nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ… cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để tìm ra giải pháp thiết thực, khả thi nhất. Nếu như ngay lúc này không có những bước đi mạnh mẽ thì sẽ còn chịu nhiều hậu quả khó lường đối với ngành nông nghiệp. Bởi vùng ĐBSCL không chỉ đang hứng chịu tác động của hiện tượng hạn hán mà sau đó còn là chu kỳ ngược của El Nino là La Nina sẽ xuất hiện mang đến ngập lụt cho các vùng hạn hán hiện nay.