Ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết: Theo Quyết định số 1578/QĐ-TTg, ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035, phạm vi lập quy hoạch chung bao gồm thành phố Hà Giang hiện hữu (diện tích 13.345,90 ha) và khu vực mở rộng (diện tích 4.580,30 ha) thuộc một phần các xã: Phong Quang, Đạo Đức, Kim Thạch, Phú Linh (thuộc huyện Vị Xuyên). Tổng diện tích lập quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 là 17.926,20 ha.
Mục tiêu quy hoạch chung đô thị định hướng phát triển đô thị Hà Giang theo các tiêu chí đô thị loại II; có không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp, cải tạo, đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc, cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị.
Đặc biệt, phát triển đô thị Hà Giang đảm bảo tính hiệu quả sử dụng đất đai, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tiện ích đô thị đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và có tính chất đặc trưng của đô thị. Tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và thực hiện các bước tiếp theo, hấp dẫn các thành phần kinh tế cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Tính chất đô thị Hà Giang là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh. Là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là đô thị loại II trong giai đoạn đến năm 2030, đô thị xanh với các giá trị về sinh thái, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa được giữ gìn, phát huy hiệu quả và bền vững.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng: Nổi bật của Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035, Hà Giang là thành phố tỉnh lỵ, đầu mối du lịch của một tỉnh đa dạng văn hóa dân tộc, tỉnh có nhiều lễ hội, có hệ sinh thái phong phú, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với tính chất đô thị là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh. Theo quy hoạch chung, đô thị Hà Giang là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển của tỉnh Hà Giang. Đây là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế so với quy hoạch trước đây; là công cụ hiệu quả để quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, để triển khai có hiệu quả quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035, trong những ngày cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, UBND tỉnh Hà Giang tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng đối với lĩnh vực trọng tâm phát triển của tỉnh, tạo đà tiên phong thúc đẩy các doanh nghiệp đến đầu tư tại Hà Giang… góp phần đưa Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc...