Xin Thứ trưởng đánh giá về thực trạng tảo hôn ở vùng dân tộc và miền núi? Ðối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các hủ tục trong kết hôn chủ yếu do thực hiện theo phong tục, tập quán, như: tục "nối dây", cướp vợ, hứa hôn, cưỡng hôn mang tính gả bán, tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi tông đường, kết hôn sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy, quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong họ tộc, không mang của cải sang họ khác... Ðây là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó còn do sự thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình chưa được cán bộ địa phương chú trọng tuyên truyền; một số nơi, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và gia đình trong việc thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình còn mờ nhạt...
Ông Hà Hùng (ảnh), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc |
Tảo hôn ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thưa Thứ trưởng? Tảo hôn ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực và góc độ khác nhau. Tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực để sản xuất ra của cải vật chất; đứa trẻ sinh ra khi người mẹ còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện dẫn đến sức khỏe của đứa trẻ không tốt. Mặt khác, những người bố, mẹ trẻ chưa thể tự nuôi sống bản thân thì không thể nuôi con của mình được, nên cả gia đình đều phải tham gia vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ gia đình nói riêng và ảnh hưởng đến nền kinh tế của thôn, bản của vùng đó nói chung. Tảo hôn nhiều sẽ khiến Đảng và Nhà nước phải ban hành thêm những chính sách để làm giảm thiểu tảo hôn, tiến tới không còn tình trạng tảo hôn. Việc ban hành một chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở một vùng trong thời gian 5 năm sẽ đạt được những mục tiêu nào đó, nhưng do tỷ lệ tảo hôn cao làm giảm hiệu quả của chính sách tác động vào một lĩnh vực nào đó, khiến việc thực hiện mục tiêu của chính sách kéo dài hơn và kết quả cũng sẽ không đạt được như mong muốn.
Thưa Thứ trưởng, làm thế nào để giảm tỷ lệ tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi? Phòng chống tảo hôn là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện việc đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đoàn thể phải chủ động, năng động, sáng tạo trong cuộc đấu tranh này. Các cấp chính quyền cơ sở, ngoài những nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng thì nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều hành việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng là một nhiệm vụ rất cơ bản, cấp bách và lâu dài, không thể coi bộ máy chính quyền cơ sở là vững mạnh nếu ở địa phương mình còn tệ nạn tảo hôn.
Cán bộ truyền thông dân số ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) đến từng thôn, bản. |
Triển khai Quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025, Ủy ban Dân tộc đã và đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh liên quan phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương cần phối hợp nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ văn hóa xã phải được tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng tư vấn, truyền thông cho đồng bào... Phấn đấu đến năm 2025, có 90% số cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở đủ trình độ hiểu biết về pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình, để tư vấn, tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của người dân không thể một sớm, một chiều. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và của cả hệ thống chính trị. Cùng với việc nâng cao trình độ, nhận thức của đồng bào, cán bộ làm công tác dân tộc, công tác chính quyền, đoàn thể các cấp cũng phải được nâng cao trình độ. Mặt khác, Ðảng, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Ðiện, đường, y tế, giáo dục, đất ở, đất sản xuất và các chính sách phù hợp phát triển kinh tế cho đồng bào... Khi đồng bào nhận thức đầy đủ pháp luật, kinh tế phát triển thì đời sống được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng theo đó sẽ được đẩy lùi. Ðể giải quyết tận gốc rễ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt để đạt mục tiêu đến năm 2025, sẽ giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm số cặp tảo hôn và từ 3 đến 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.