Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang Nguyễn Vĩnh Phúc, trong cao điểm mùa khô năm 2015 (từ tháng 3 đến tháng 5) đã xảy ra 3 nguy cơ cháy rừng từ cấp độ cao đến cấp độ cực kỳ nguy hiểm, dựa trên việc lấy mẫu xác định độ ẩm vật liệu cháy ở các khu vực rừng trọng điểm theo phương pháp mục trắc kết hợp số liệu công nghệ viễn thám FIRMS.
Diễn tập công tác phòng chống cháy tại Khu rừng bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). |
Từ các cấp độ dự báo, cảnh báo cháy rừng này, Ban Chỉ đạo của tỉnh về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đưa kiểm lâm về các xã có rừng, tham mưu cho lãnh đạo xã thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ tuần tra, kiểm soát các chốt ra vào rừng, túc trực ở các tháp canh. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng thực hiện ứng trực cháy rừng hàng ngày; tổ chức lực lượng liên ngành gồm Kiểm lâm, Công an, dân quân tự vệ phối hợp với các chủ rừng thực hiện tuần tra, kiểm soát, hạn chế tối đa người ra vào rừng trái phép để khai thác lâm sản, săn bắt thủy sản, động vật hoang dã nhằm hạn chế xảy ra tình trạng bắt lửa gây cháy trong khu vực rừng.
Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang ứng dụng công nghệ viễn thám FIRMS là công nghệ sử dụng hình ảnh từ 2 vệ tinh quay quanh trái đất và báo cáo địa điểm xảy ra cháy hoặc có nguy cơ cháy về trung tâm thể hiện trên bản đồ Google Earth. Sử dụng công nghệ này, Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời phát hiện hơn 100 điểm cháy ở các địa phương trong toàn tỉnh, thông báo các chủ rừng, địa phương kiểm tra, qua đó xác minh đây chỉ là những điểm cháy do người dân đốt đồng, đốt cỏ, lau sậy ở khu vực ngoài rừng và nhắc nhở người dân kiểm soát việc đốt đồng, đốt cỏ, không để lửa bắt cháy vào khu vực rừng.
Nhân viên Hạt Kiểm lâm liên huyện An Biên - An Minh cùng nhân dân ấp Mương Đào C, xã Văn Khánh, huyện An Minh tuần tra rừng tràm vùng đệm VQG U Minh Thượng (Kiên Giang). |
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được tỉnh Hậu Giang thực hiện ngay từ đầu năm 2015 và đẩy mạnh vào các tháng mùa khô. Theo đó, các chủ rừng được vận động dọn cỏ thông luồng 55 km trục kênh chính, vét dọn kênh, mương trữ nước trong rừng, đốt trước có kiểm soát 50 ha thực bì trên bờ kênh, tu sửa 72 cống đập giữ nước; sửa chữa 7 tháp canh lửa kiên cố, lập 25 chốt bảo vệ rừng. Các chủ rừng cũng chuẩn bị 15 máy bơm nước chữa cháy với hơn 500 m ống dây vải, lập tổ chữa cháy chuyên dụng với 27 thuyền máy sử dụng tại các kênh mương trữ nước trong rừng.
Hậu Giang có gần 5.000 ha đất có rừng, bao gồm rừng đặc dụng và rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân và khu vườn tràm Vị Thủy. |
Dự báo năm 2016 có thể xảy ra hạn hán nghiêm trọng, kéo dài do hiện tượng El Nino quay trở lại theo chu kỳ cùng với tình hình mưa giảm sút trong năm 2015 khiến lượng nước đưa về hạ nguồn khan hiếm. Tỉnh Hậu Giang lên kế hoạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng và hạn chế thấp nhất các nguy cơ gây cháy rừng, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư ở những nơi có rừng. Tỉnh cũng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng năm 2016, lấy công tác phòng cháy làm trọng tâm.
Ngay từ tháng 1/2016, Hậu Giang sẽ triển khai đồng bộ phương án phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh, chú trọng nạo vét kênh mương, thông luồng, thực hiện các biện pháp trữ nước ở tất cả kênh, mương trong lâm phần, khởi động, bảo trì các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; từ tháng 2, tổ chức ứng trực cháy rừng từ tỉnh đến địa phương, chỉ đạo các chủ rừng bố trí trực tháp canh, trực chỉ huy, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện chữa cháy, tăng cường tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo cháy rừng hàng ngày.