Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định:
Hàng nghìn ha được hưởng lợi từ hồ chứa nước thủy lợi Đồng Mít
Dự án hồ chứa nước Đồng Mít, tỉnh Bình Định đã được thông qua giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và đang được các bộ, ngành chức năng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến hành khởi công xây dựng trong năm nay. Dự án có quy mô thuộc nhóm A, công trình đầu mối gồm: hồ chứa theo thiết kế đập chính có chiều dài 353m và chiều cao đập 66,5m. Dung tích thiết kế 90 triệu m3; trong đó dung tích hữu ích đạt 75 triệu m3 và đập dâng nước phụ, tràn xả lũ cấp 1, hệ thống kênh mương cấp IV... với tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện vào cuối năm 2017 và hoàn thành chính thức đưa vào sử dụng năm 2020.
Các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu được phát triển ven các công trình thủy lợi vừa được nâng cấp ở tỉnh Đắk Nông. |
Dự án này có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 134 ha đất canh tác ven sông An Lão thuộc địa phận xã An Trung, huyện An Lão; cấp nước về đập Lại Giang (huyện Hoài Nhơn) để đảm bảo nước tưới cho 4.010 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản huyện Hoài Nhơn. Đồng thời, cấp nước ổn định cho các trạm bơm phục vụ tưới 725 ha ven sông An Lão và phục vụ nước nuôi trồng thủy sản 1.055 ha khu vực hạ lưu sông Lại Giang và tạo nguồn cung cấp nước tưới và nuôi trồng thủy sản cho 818 ha thuộc các xã phía Bắc huyện Phù Mỹ. Bên cạnh đó, cung cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người khu vực phục vụ dự án và còn kết hợp xây dựng nhà máy phát điện có tổng công suất 7 MW.
Ông Phan Sỹ Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Đắk R’Lấp, Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông:
Hiệu quả sau đầu tư nâng cấp
Công trình thủy lợi Cầu Tư, thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng được đầu tư cải tạo, nâng cấp trên quy mô lớn vào năm 2016. Công suất hồ chứa hiện tại là 8 triệu m3 nước, tăng gấp 8 lần so với trước đó. Hiện hồ thủy lợi này đang cấp nước ổn định cho gần 1.000 ha cây trồng tại xã Nghĩa Thắng và một số xã lân cận; trong đó, có hơn 250 ha lúa nước của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc cải tạo, nâng cấp công trình đã trở thành điều kiện quyết định để người dân canh tác ổn định cũng như phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong khu vực.
Các hộ dân xã Nghĩa Thắng cho biết, hồ thủy lợi Cầu Tư được nâng cấp đã giúp nhiều gia đình trút được nỗi lo thường trực mỗi khi mùa khô tới, đó là vấn đề nước tưới. Bên cạnh nguồn nước dồi dào, ổn định, các gia đình đã tiết kiệm được khá nhiều nhiên liệu, công cán, máy móc, đường ống... so với trước đây. Hàng nghìn hộ dân trong khu vực cũng được hưởng những lợi ích tương tự.
Anh Nguyễn Văn Toản, thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô (Kon Tum):
Bất cập từ công trình đập thủy lợi triển khai nửa vời
Đập thủy lợi Đắk Rơn Ga được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt xây dựng ngày 14/8/2007 với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Theo thiết kế, đập có dung tích phục vụ tưới nước cho 829 ha cây công nghiệp thuộc 2 xã Tân Cảnh và Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô. Năm 2014 đập Đắk Rơn Ga bắt đầu tích nước nhưng đồng thời “nuốt chửng” đường vào khu sản xuất của 40 hộ dân ở thôn 4, xã Tân Cảnh, ảnh hưởng đến khâu vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch của gần 500 ha cây công nghiệp chủ yếu là cao su, cà phê, sắn, bời lời, cây ăn quả.
Đập dâng Tà Pao trên địa bàn huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) đã đưa vào sử dụng. |
Sau những kiến nghị của người dân từ các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND huyện Đắk Tô đã mở đường mới vòng sang bên kia sườn núi thay thế cho đoạn đường bị ngập. Thế nhưng đường mới vòng quá xa, chỉ phục vụ được một số hộ dân có rẫy gần đó, số còn lại phải vận chuyển nông sản về đất liền bằng thuyền. Năm gia đình có nhà tại khu sản xuất phải di chuyển hằng ngày bằng thuyền. Bức xúc vì không có đường đi, 25 hộ dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc không có đường vận chuyển nông sản đã góp hơn 100 triệu đồng, mua đất tự mở đường để vào khu sản xuất.
Gia đình tôi có 5 ha cao su, 1 ha cà phê và 5 sào tiêu bên khu sản xuất. Trước đây mùa thu hoạch xe vào tới nơi vận chuyển dễ dàng, nay đường cũ bị ngập, đường tự mở nguy hiểm. Nông sản giờ phải chở bằng thuyền qua đập về đất liền, rất bất tiện, thu nhập giảm đáng kể.