Mọi người trong gia đình cùng gói bánh dày. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi vượt qua 60 km đường đèo, dốc hiểm trở để đến các bản Gia Phú, Sơn Tống, Huổi Chang thuộc xã Na Tông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Những ngày này, đồng bào người Mông gác lại mọi việc ở nương rẫy, nô nức chuẩn bị áo mới, dọn nhà sạch sẽ, chọn những con trâu, lợn, gà to nhất để chuẩn bị cho ngày Tết.
Bản Gia Phú có 37 hộ, với 246 nhân khẩu đa số là người Mông, mặc dù là bản nghèo ở nơi vùng biên giới nhưng đồng bào người Mông ở đây vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ở mỗi nhà mọi người vui vẻ quây quần bên nhau để thêu quần áo mới, tiếng chày giã bánh dày rộn ràng khắp nơi, không khí rộn ràng. Bếp hồng đỏ than, khói thơm lan tỏa ở khắp mọi nhà chuẩn bị cơm cho ngày Tết.
Trưởng bản Gia Phú B, Thào A Dế cho biết: Tết Mông bắt đầu vào ngày 27 tháng 11 đến ngày 6 tháng 12 âm lịch, đây là dịp để mọi người trong bản quây quần bên ly rượu thăm hỏi hàng xóm, chúc nhau sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống.
Tết người Mông không thể thiếu phần làm Lý. Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng cầm roi làm bằng cành tre, được thắt nơ vàng ở cuống đi xua quanh nhà, sau đó dùng gà để tế lễ. Sau phần tế lễ trong khi thầy cúng gõ chiêng, đọc lời khấn ở trước cửa nhà, gia chủ dán những tờ giấy đỏ vào những đồ vật trong nhà từ cái kèo, cột, xe máy, thùng nước…
Theo quan niệm người Mông mọi vật trong nhà đều có linh hồn, việc dán vào những đồ vật như vậy để gọi hồn tất cả mọi thứ trong nhà về chung vui cùng gia đình ngày Tết. Đến khoảng 2 giờ sáng đầu năm, gia chủ đến các mó nước gần nhất để lấy nước về nhà đặt lên bàn thờ để cầu mong mọi thứ tốt tươi, công việc được thuận lợi.
Thầy mo Sùng Chống Só ở bản Sơn Tống chia sẻ: Làm Lý nhằm mục đích là xua đuổi những cái xấu, đen đủi của năm cũ, cầu mong sang năm mới mọi người trong gia đình gặp được nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi, ngoài ra làm Lý cũng để mời thần linh về cùng ăn Tết cùng gia đình.
Tết Mông cũng là dịp bắt đầu cho những mối tình. Vào ngày Tết các đôi trai gái mặc những bộ áo quần truyền thống rực rỡ sắc màu cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống.
Trong đó ném Pao là trò chơi được các nam thanh, nữ tú người Mông yêu thích. Trò chơi được chia thành hai bên một bên là các bạn nữ, một bên là các bạn nam đứng cách nhau vài mét, sau đó ném cho nhau những quả Pao được các thiếu nữ thêu đủ họa tiết xinh xắn, nam nữ vừa ném vừa trao nhau những ánh mắt, nụ cười. Sau khi trò chơi kết thúc các bạn có tình ý với nhau cùng rủ nhau tâm sự, trao nhau tình cảm, kết tình vợ chồng cũng từ đấy.