Tại Đắk Lắk hiện vào mùa mưa, thường xảy ra các đợt lũ, lũ quét, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để chủ động phòng, chống sạt lở, giảm thiệt hại và đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Xây dựng kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Sở Công Thương chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện. Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án ứng phó…
Đối với UBND cấp huyện, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân. Với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, UBND cấp huyện phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định (nếu có) để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở. Về lâu dài, UBND cấp huyện cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, nhất là xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đợt mưa lớn, ngập lụt từ ngày 1 - 6/9 trên địa bàn tỉnh đã làm vỡ đoạn đê bao Quảng Điền, huyện Krông Ana, với chiều dài khoảng 5m. Huyện Krông Ana cùng xã Quảng Điền đã huy động lực lượng xung kích và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Điện Bàn đắp bao tải, ngăn chặn không cho vết vỡ rộng thêm. Ngoài ra, mưa lớn, ngập lụt đã làm 3 đoạn bờ sông tại xã Buôn Triết, huyện Lắk bị vỡ, chiều dài khoảng 90m; 1.337 ha lúa sắp thu hoạch bị ngập; 1 nhà dân và tường rào của hai trường học bị hư hỏng, 66 nhà dân bị ngập; 2 người dân tử vong do bị lũ cuốn trôi.