Các tỉnh Tây Nguyên có số lượng khá lớn người dân di cư đến sinh sống và làm ăn trên địa bàn. Nhằm góp sức cho thành công chung của Ngày hội toàn dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với các ngành, địa phương đang đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về cuộc bầu cử trong vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông người dân di cư sinh sống; đặc biệt là tổ chức các đợt phát động quần chúng để “dân hiểu, dân tin, dân đi bầu cử”.
Phát động tại địa bàn trọng điểm
Ghi nhận tại Hội nghị tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026 do Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh và Huyện ủy Ea Súp tổ chức, vào một đêm tháng 5/2021. Gần 400 người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông đang sinh sống ở các tiểu khu 276, 280, 286 của xã Cư Mlan, huyện Ea Súp tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, người dân được Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, quyền lợi và trách nhiệm của cử tri, các quy định của pháp luật về cuộc bầu cử. Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk đã lồng ghép tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, tác hại của rượu/bia và phương thức nhận diện, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử. Bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ giao tiếp với tiếp mẹ đẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk đã truyền tải thông tin, giải đáp thắc mắc, giao lưu và chia sẻ với người dân địa phương trong không khí thân tình, sôi nổi, gần gũi và dễ hiểu. Đây là buổi sinh hoạt chính trị quan trọng, không những tuyên truyền khéo về cuộc bầu cử mà còn là cơ hội để các ngành, các cấp sâu sát với cơ sở, gắn kết với nhân dân.
Bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ tháng 3- 5/2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp tổ chức các đợt phát động quần chúng, tuyên truyền về cuộc bầu cử trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có đông người dân di cư sinh sống. Ban Dân vận chú trọng tuyên truyền, phát động ở các địa bàn trọng điểm như: xã Ea Bhốc và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), xã Đắk Nuê và xã Krông Nô (huyện Lắk), xã Cư Drăm và xã Cư Pui (huyện Krông Bông), xã Ea Kiết (huyện Cư M’Gar), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk), xã Cư Kbang và xã Cư Mlan (huyện Ea Súp). Ban Dân vận vừa tuyên truyền về cuộc bầu cử, vừa giải thích để người dân hiểu tham gia bầu cử không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của chính mình trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Theo bà Nay H’Yến, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ea Súp, huyện có kế hoạch tuyên truyền vận động chung về cuộc bầu cử và kế hoạch tuyên truyền vận động riêng trong vùng có đông người dân di cư sinh sống. Đội công tác của huyện thường đi tuyên truyền vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, khi người dân chưa đi nương rẫy hoặc đã đi nương rẫy về; chủ yếu tuyên truyền qua loa, vào trực tiếp tuyên truyền. “Có những hôm, địa hình hiểm trở, người dân sinh sống rải rác trên quãng đường dài 25km, trong khu vực rừng và vách núi, đoàn công tác phải chia nhóm nhỏ để đi, vận động xong, ra khỏi rừng đã hơn 11 giờ đêm”, bà Nay H’Yến chia sẻ.
Các tiểu khu 276, 280, 286 của xã Cư Mlan hiện có 222 hộ dân di cư vào sinh sống và làm ăn, với 1.214 nhân khẩu. Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đối với người dân di cư, Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp cho cử tri biết thông tin, cách thức về cuộc bầu cử để cử tri quyết định nơi đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể trở về nơi đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Cử tri nếu có nguyện vọng tham gia bầu cử tại địa phương đang sinh sống thực tế sẽ ghi tên cử tri vào danh sách và thực hiện quyền bầu cử (như đối với cử tri là người tạm trú). Hiện nay, xã Cư Mlan đã rà soát, lập danh sách 301 cử tri là người dân di cư. Thông qua công tác tuyên truyền và phát động quần chúng, đa số người dân cho biết sẽ chấp hành quy định của nơi sở tại về cuộc bầu cử.
Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà
Xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk), địa phương hiện có hơn 2.000 người dân di cư vào sinh sống và làm ăn. Tại xã Vụ Bổn, Đội công tác phát động quần chúng của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với chính quyền huyện, xã, thôn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” và phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng nhóm đạo trong công tác tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử.
Quản nhiệm Hội thánh Tin lành thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) Giàng Seo Khóa cho biết, an là người dân tộc Mông, di cư từ tỉnh Lào Cai vào xã Vụ Bổn sinh sống. Qua công tác tuyên truyền và vận động, anh và gia đình đã sẵn sàng đi bầu cử; đồng thời nhắc nhở, khích lệ tín hữu phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử vào ngày 23/5 tới.
Ông Chương Văn Minh, Truyền đạo đặc trách Hội thánh Tin lành thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) chia sẻ, người dân di cư sống trên địa bàn thắc mắc là chưa có hộ khẩu có được tham gia bầu cử không. Ông đã giải thích cho bà con về việc phải tham gia bầu cử để làm tròn trách nhiệm công dân, việc nhập khẩu sẽ được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện làm sau. Khi Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các ngành, các cấp đến tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, vận động, góp ý, ông Minh có thêm nhiều hiểu biết để hướng dẫn, giải thích cho bà con về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử.
Ngoài sự vận động của Ban Dân vận, tại xã Vụ Bổn, chính quyền xã, thôn thường xuyên tổ chức họp dân, lắng nghe tâm tư của người dân. Ông Đặng Đình May, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 12 (xã Vụ Bổn) cho biết, địa bàn thôn có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, thôn đã có nhiều cuộc họp dân, đặc biệt là họp riêng những hộ dân di cư đang sinh sống ở thôn để thông tin về cuộc bầu cử, vận động, lập danh sách cử tri. Bà con sinh sống trên địa bàn chủ yếu theo dòng họ, do đó thôn vận động trưởng họ và trưởng nhóm đạo cùng tuyên truyền để đạt hiệu quả cao.
Những ngày này, khi mà thời gian diễn ra cuộc bầu cử đang đến gần, các cán bộ Đội công tác phát động quần chúng của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk vẫn miệt mài đi gặp gỡ, chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân di cư về cuộc bầu cử. Đó là những đêm tuyên truyền vận động trong rừng sâu, ở nơi không có sóng điện thoại, dân cư thưa thớt. Đó là những ngày trưa nắng gắt vẫn đến từng nhà, không ngừng nỗ lực chia sẻ thông tin về cuộc bầu cử. Những nỗ lực ấy không chỉ mong muốn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành công mà còn hy vọng đảm bảo quyền bầu cử cho mọi người dân, để ngày 23/5 thật sự trở thành Ngày hội của toàn dân.
Ông Phạm Văn Hồng, Đội trưởng Đội Công tác phát động quần chúng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ, trong tuyên truyền về cuộc bầu cử, đơn vị xác định nội dung cần vận động, xác định hình thức vận động phải phù hợp, dễ hiểu, dễ nghe với từng đối tượng vận động. Đối với người dân tộc thiểu số, người dân di cư, các thành viên của Đội dùng tiếng địa phương để nói chuyện, xuống tận nhà gặp gỡ để người dân cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng. Thứ hai là tận dụng và phát huy uy tín của già làng, trưởng thôn/buôn, trưởng điểm nhóm để cùng vận động. Qua việc gặp gỡ, bà con nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia bầu cử, phấn khởi, mong mỏi đến ngày 23/5 sẽ tham gia bầu cử.
Bên cạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk còn nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân để tham mưu, đề xuất các phương án đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, với sự nỗ lực của Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các hình thức tuyên truyền về cuộc bầu cử mà tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh triển khai, đồng bào 49 dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk đã chủ động quan tâm đến cuộc bầu cử, hăng hái và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ cử tri trong Ngày hội toàn dân.