Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển bền vững

Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền (tỉnh Cà Mau). Ảnh minh họa: Hồng Nhung/TTXVN

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tại tỉnh Cà Mau, việc nhận thức, quán triệt, triển khai các quyết sách của Ðảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, trong đó có công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được thực hiện với quyết tâm chính trị cao độ, đúng quy định, sát thực tiễn và mang lại kết quả thực chất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều “nút thắt”, đây là lực cản khiến việc thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn gặp khó khăn.

“Nút thắt” từ công tác đào tạo nghề

Với mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số có điều kiện thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống, Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ. Trong đó, vấn đề giải quyết việc làm là một trong những nội dung quan trọng, được đưa vào Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thuộc Dự án 5 (Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực).

Để thực hiện Tiểu dự án 3, từ năm 2023 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đã mở khoảng 13 lớp đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi lao động là người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống trên địa bàn các ấp, xã đặc biệt khó khăn.

Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, Tiểu dự án 3 hướng đến góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Tiểu dự án hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng...

Tuy nhiên, quá trình triển khai Tiểu dự án 3 tại tỉnh Cà Mau vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bà Bùi Lệ Oanh phân tích, sau chủ trương sắp xếp các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau, dù nhiệm vụ này chủ yếu do các trường cao đẳng thực hiện, nhưng các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải đặt hàng các cơ sở dạy nghề tư nhân khác. Hiện nay, theo quy định thủ tục, bắt buộc phải đấu thầu đặt hàng theo Nghị định số 32/2019/NÐ-CP của Chính phủ mới đủ điều kiện mở các lớp. Trong khi đó, các vùng dân tộc thiểu số thường phân bổ tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn… nên công tác huy động và tập trung mở lớp rất khó.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Thu Tư nhìn nhận, hiện nay nhu cầu và yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng cao. Trong khi đó, đa phần lao động dân tộc thiểu số có trình độ học vấn, trình độ tay nghề thấp. Ngoài ra, một bộ phận chưa qua đào tạo nghề nghiệp bài bản, kỹ năng thô sơ, khả năng thích ứng, cạnh tranh kém… Cơ hội và khả năng tiếp cận với các thông tin thị trường lao động vì thế cũng rất hạn chế.

“Thực tế trên đã khiến nhiều trường hợp người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương không chịu nổi áp lực công việc, không bắt kịp xu thế, yêu cầu của thị trường lao động, bị đào thải và phải quay trở về quê. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao”, bà Nguyễn Thu Tư, phân tích.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 21 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 12.000 hộ và trên 50.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất là dân tộc Khmer với gần 9.700 hộ, khoảng 41.200 người; tiếp đến là dân tộc Hoa với trên 2.200 hộ, 8.700 người; còn lại là các đồng bào dân tộc thiểu số như: Mường, Tày, Thái, Nùng, Chăm, Gia Rai, Ê đê, Si La, Cơ Ho, Xtiêng, Chu ru…. với khoảng 221 hộ, 1 người.

Cùng với sự phát triển chung, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm. Theo đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cuối năm 2023 chỉ còn 713 hộ, chiếm 6,09% trong tổng số hộ dân tộc thiểu số. So với năm 2019, địa phương đã giảm được 547 hộ nghèo, bình quân giảm 2,57%/năm. Đồng thời, hiện có trên 80% lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định.

Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, nhưng theo ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, đồng bào dân tộc thường sinh sống tại những địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, thiên tai thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm đáng kể nhưng chưa thực sự bền vững, tỷ lệ có thể tái nghèo còn cao. Ngoài ra, tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc còn chậm so với kế hoạch đề ra. Còn một số nội dung hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế...

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, các chương trình mục tiêu quốc gia là động lực quý báu để địa phương tận dụng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Dù vậy, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền; kịp thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả và đưa ra các giải pháp căn cơ để chính sách thực hiện kịp thời, đúng quy định…

Tại Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau lần thứ IV (tháng 8/2024), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, các chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư của Ðảng, Nhà nước là hết sức quý báu, phải tập trung để sử dụng đúng, trúng và phát huy tối đa hiệu quả, giá trị, từ đó khơi dậy sức mạnh nội lực, ý chí vươn lên và đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số cho sự phát triển chung của địa phương.

Ðể thực hiện được mục tiêu trên, các sở, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học - kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế; tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các địa phương, bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số cần hướng trọng tâm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số...

Huỳnh Anh (TTXVN)
Hành trình xây dựng tri thức và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hành trình xây dựng tri thức và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực xây dựng môi trường học tập toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số, từ hệ thống trường học, chính sách hỗ trợ, đến chương trình giáo dục đặc thù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN