Định hướng của Chính phủ trong đầu tư phát triển ngành nông nghiệp

Trong những năm qua, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn để đầu tư phát triển bền vững ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Theo đó, xác định lúa gạo, thủy sản, trái cây là sản phẩm nông sản chủ lực, đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Đối với cây lúa, theo Quyết định 939/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã xác định cây lúa là “cây trồng chủ lực”. Do vậy, từ đó tạo tiền đề để tiếp tục đầu tư khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển vùng sản xuất lúa lớn, chuyên canh (mô hình cánh đồng mẫu lớn), nhất là các địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. 

Giữ vững diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 khoảng 1,8 - 1,85 triệu ha.

Về cây ăn trái, Chính phủ cũng đã định hướng quy hoạch và phát triển các vùng cây ăn quả theo hướng tập trung chuyên canh, chú trọng vấn đề lai tạo các giống mới có giá trị kinh tế cao; chú trọng phát triển các cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, bông vải, đậu nành, mía... tiến tới thay thế các nông sản nguyên liệu nhập khẩu. Về thủy sản, xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, kim ngạch xuất khẩu lớn. 

Tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và tập trung, mở rộng khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, đảo, khu vực nước ngọt, nước lợ; áp dụng các mô hình nuôi trồng ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo môi trường sinh thái. 

Phấn đấu đến năm 2020 diện tích đất chuyên nuôi trồng thủy hải sản khoảng 550.000 – 600.000 ha.

Đồng thời, để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản của vùng, chính sách công nghiệp được Chính phủ định hướng trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu; xây dựng ngành công nghiệp chế biến quy mô lớn có trình độ công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu; hình thành các trung tâm chế biến với công nghệ hiện đại, khép kín, thiết bị đồng bộ, hướng tới chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến sâu; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư thiết bị, tạo ra các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế so sánh như chế biến gạo, thủy sản, rau quả, dừa, chế biến thịt, thức ăn chăn nuôi. 

Đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp hiện có.

Một trong những chính sách quan trọng đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng chính là chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp (Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững) và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010). 

Thực hiện các chính sách này, thời gian qua các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đã ban hành nhiều văn bản, đề ra nhiều kế hoạch, chiến lược, chương trình hành động, giải pháp... theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Theo đó, hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đã bám sát sáu giải pháp cơ bản của Đề án tái cơ cấu, khẩn trương rà soát quy hoạch, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng cường liên kết sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. 

Bên cạnh đó đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thí điểm có hiệu quả, có kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư và thương mại... 

Các giải pháp này bước đầu đã tạo nền tảng cơ bản, là bước chuẩn bị quan trọng hướng đến tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020, đưa lúa gạo, trái cây và thủy sản nuôi trồng phát triển bền vững.


Anh Đức
“Hiến kế” cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long
“Hiến kế” cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, mới đây tại tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và hợp tác bảo tồn gen Katti (Hungary) đã tổ chức hội thảo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN