Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh ở Tây Nguyên có ít nhất một trường cao đẳng, trong đó mỗi trường có từ 2 - 3 nghề cấp độ ASEAN và 3 - 5 nghề cấp độ quốc gia. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập của lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên bố trí đầy đủ về số lượng và chất lượng giảng dạy nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy mô đào tạo.
Các học viên lớp học dệt thổ cẩm. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Chương trình đào tạo nghề cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn thống nhất của từng cấp độ. Đối với các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế, thực hiện chuyển giao đồng bộ trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp với điều kiện của vùng và từng địa phương. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung về chế độ chính sách đối với học sinh học nghề như chính sách miễn giảm học phí, mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với học sinh vùng cao; có cơ chế khuyến khích đội ngũ giáo viên có năng lực để tham gia giảng dạy...
Trên cơ sở thống nhất xây dựng các giải pháp, bà H'Ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, dự báo đến năm 2020 toàn vùng Tây Nguyên và các tỉnh giáp ranh tăng dân số lên khoảng 10 triệu người (bằng gần 10% dân số của cả nước), dân số trong độ tuổi lao động khoảng 6 triệu người. Bà H'Ngăm Niê Kdăm cho rằng sớm triển khai thực hiện có kết quả các nhóm giải pháp quan trọng; có kế hoạch xây dựng chương trình hành động từng năm phù hợp với từng địa phương. Đồng thời kiến nghị Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nguồn lực cho đào tạo nghề nghiệp và quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, cũng như sớm ban hành các chế độ, chính sách phù hợp cho từng đối tượng theo học nghề, nhất là lao động là thanh niên trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề ở các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên không ngừng đổi mới và phát triển, từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tính riêng chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010 - 2015 toàn vùng Tây Nguyên đã tổ chức dạy nghề cho hơn 210.000 người, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số. Hiệu quả từ dạy nghề cho lao động nông thôn mang lại việc làm ổn định cho khoảng 160.000 người, trong đó hơn 6.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề và đã thoát nghèo.