Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất phụ trách về Quản lí nước và Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam: Sụt lún đất là mối đe dọa hiện hữu Chỉ trong vòng 25 năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng với mức độ mỗi năm lún xuống vài centimet, cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng vài milimet mỗi năm. Hiện ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 1 - 2 m, đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển. Nếu không có biện pháp hành động ngay, vùng đồng bằng màu mỡ là nơi sinh sống của 20 triệu người và nguồn cung cấp lương thực cho 200 triệu người khác này sẽ phải đối mặt với tình trạng thảm họa nghiêm trọng.
Suy giảm nước ngầm và sụt lún tăng nhanh ở Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau. Việc sụt lún đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển.
Hiện trường vụ sạt lở khu vực sông Cái Côn, ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang. |
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Đầu tư hơn 980 triệu đồng sửa chữa khẩn cấp mái kè đê bờ biển Hiệp Thạnh Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã sử dụng nguồn quỹ phòng chống thiên tai với số tiền hơn 980 triệu đồng để sửa chữa khẩn cấp 11 vị trí sụt lún mái kè bảo vệ đoạn đê xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải. Theo khảo sát, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường xảy ra với tần suất lớn kết hợp gió thổi mạnh, tạo nên những đợt sóng to, liên tục tác động trực tiếp lên mái kè với áp lực lớn đã làm dịch chuyển các khối bê tông tự chèn trên bề mặt, tạo ra các khe hở lớn, làm cuốn trôi lớp đá bảo vệ. Một số liên kết giữa các khối bê tông bị phá vỡ, khi sóng đánh vào bờ mang theo các sinh vật biển, vật liệu sắc nhọn làm rách lớp vải địa kỹ thuật và cuốn trôi cát nền bên trong thân kè gây hư hỏng sụt lún khoảng 70 vị trí với tổng diện tích khoảng trên 2.500 m2.
Trong số này, có 11 vị trí sụt lún nghiêm trọng với diện tích khoảng 700 m2, độ lún sâu khoảng 0,6 m so với mặt phẳng của mái kè hiện tại. Các đợt sóng to với áp lực lớn cũng đã làm bong tróc khoảng 16 m2 diện tích lớp bê tông bảo vệ tường chắn sóng. Các vị trí hư hỏng sụt lún hiện tại rất nguy hiểm và có khuynh hướng mở rộng thêm, nhất là các vị trí được xác định sụt lún nghiêm trọng cần xử lý kịp thời trong những tháng mùa gió Tây Nam năm nay. Nếu không, nguy cơ sẽ kéo sụp đổ tường chắn sóng đỉnh kè và phá vỡ bờ kết cấu hệ thống công trình vào đợt gió mùa Đông Bắc cuối năm 2017 như những năm trước đây đã xảy ra. Bên cạnh việc sửa chữa khẩn cấp 11 vị trí sụt lún nghiêm trọng, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh còn giao trách nhiệm cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa chữa 60 vị trí hư hỏng còn lại của công trình kè biển Hiệp Thạnh.
Ông Nguyễn Thanh Khiết, Chủ tịch UBND xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc (Long An): Hàng chục nhà dân có nguy cơ trôi sông Hiện toàn xã Phước Lai có khoảng 20 hộ sống ven sông. Tất cả các hộ này đều nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Mỗi năm đều có 1 - 2 căn nhà hoặc những đầm tôm của bà con gần ngay sông đều bị sạt xuống. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Long An xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc theo những con sông lớn như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc... Đáng báo động là tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, nhiều căn nhà kiên cố chỉ trong tích tắc đã đổ sập xuống lòng sông, đẩy người dân vào cảnh trắng tay. Chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 29/5 - 13/6/2017), tại huyện Cần Giuộc, liên tục xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến 7 nhà dân tại xã Long Hậu và xã Phước Lại. Cả cơ ngơi trôi tuột xuống sông trong nháy mắt, không còn lại bất cứ dấu vết nào như chưa từng tồn tại. Trường hợp của bà Huỳnh Thị Kim Thoa, sống dọc sông Vàm Rạch Dừa, xã Phước Lại, sau khi căn nhà của bà bị nhấn chìm, nền đất ở đây tiếp tục bị sụt lún, tình trạng sạt lở ngày càng khoét sâu vào bên trong căn nhà tạm vừa được dựng lên. Điều đáng lo ngại là tất cả các trường hợp sạt lở này đều xảy ra trong đêm, có nguy cơ ảnh hướng tính mạng người dân.
Bà Phạm Thị Diệu, Bí thư Đảng ủy phường 1, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu): Di dời các hộ dân khu vực sụt lún đến nơi an toàn Tính đến cuối tháng 6/2017, tất cả các hộ dân sống trong khu vực có dấu hiệu sụt lún đất, nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn đã được di dời đồ đạc và đến nơi ở an toàn. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng, đoàn thể cùng phương tiện đến giúp dân di dời đồ đạc, sơ tán người già, trẻ em ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời vận động người dân tháo dỡ nhà, di dời tài sản, tuyệt đối không để người dân ở lại trong các ngôi nhà bị nứt, lún, mất an toàn. Trước mắt, các hộ này đến ở tạm nhà người thân, họ hàng, những trường hợp khó khăn được bố trí đến trường học hoặc nhà công vụ nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Về lâu dài, địa phương sẽ có giải pháp cụ thể, như đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, hoặc di dời dân đến ở nơi khác, hỗ trợ tiền xây dựng nhà...