Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững

Ngày 6/12, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên (lần thứ III).

Hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban ngành, các cơ sở nghiên cứu, các công ty thủy điện; UBND các huyện, xã và cộng đồng dân cư địa phương có thủy điện đến từ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đắk Nông. 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh Văn Sơn/TTXVN

Mục tiêu hội nghị là đối thoại đa chiều vì sự phát triển thủy điện bền vững ở các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên, bao gồm các tổ chức đại diện cho nhân dân, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng, truyền thông và các tổ chức xã hội. Đây cũng là dịp giúp người dân có cơ hội đối thoại trực tiếp với các bên liên quan các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống của họ; cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức và các cấp chính quyền để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội...


Tại hội nghị, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu giới thiệu về những kết quả dự án đã thực hiện với các cộng đồng bị ảnh hưởng của các công trình thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên từ năm 2013- 2016; Tổng hợp quá trình và kết quả nghiên cứu của các nhóm cộng đồng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong năm 2016; Phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Kết quả nghiên cứu tác động của hệ thống thủy điện Vu Gia - Thu Bồn đối với kinh tế và môi trường xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; Hệ lụy từ việc chắn dòng, xây dựng thgury điện Serepok 4A; Tác động của thủy điện Buôn Kuoop đến buôn EA Tung và buôn Drai, xã Ea Na, huyện kroong Ân, Đắk Lắk; Vấn đề trồng rừng bồi hoàn trong phát triển thủy điện ở Việt Nam; Các biện pháp để đảm bảo trách nhiệm đối với nhân dân và môi trường...


Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000 MW. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến 2015, Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc. 


Tuy nhiên, sự hiện diện rất dày của các công trình thủy điện lớn nhỏ ở khắp các hệ thống sông suối của Việt Nam, của khu vực miền Trung là thực tế cần nhìn nhận. Thực tiễn phát triển thủy điện khu vực miền Trung cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, các công trình thủy điện cũng gây nên những tác động tiêu cực to lớn đối với môi trường, xã hội... 


Theo ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn của VRN và nhóm nghiên cứu của VRN, hướng tháo gỡ các trở ngại cần phải đảm bảo sự tham gia thực chất của người dân chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Thúc đẩy kết nối các cộng đồng bị ảnh hưởng với các dịch vụ tư pháp, với các chuyên gia kỹ thuật, báo chí góp phần gỡ bỏ bớt rào cản về sự cách trở của cộng đồng với các nguồn hỗ trợ. 


Nhóm nghiên cứu đề nghị cần cải thiện các kỹ năng đối thoại của người dân với các bên liên quan từ các cấp xã huyện tới cấp tỉnh; cải thiện kỹ năng thu thập phân tích thông tin và sắp xếp lưu trữ dữ liệu, số liệu để xử dụng các cuộc đối thoại hoặc trong đàm phán với các bên liên quan hoặc khiếu nại; nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, các đại diện và đại biểu của họ để làm căn cứ dẫn luận trong các cuộc đối thoại hoặc tranh tụng khi khiếu nại về các cuộc đền bù và tái định cư. 

Văn Sơn (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN