Đồng bằng sông Cửu Long cần những bước đi chủ động

Sau khi chuyên đề “Để ĐBSCL thích nghi với biến đổi khí hậu” đăng trên báo Tin Tức Cuối tuần số 40, nhiều chuyên gia đề xuất giải pháp được xem là những bước đi chủ động để vùng đồng bằng tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:  Kịch bản cụ thể đối phó với hạn, mặn

Bộ đã giao nhiệm vụ các đơn vị giám sát, dự báo mặn, thông tin thường xuyên, kịp thời đến các cấp, các ngành khu vực ĐBSCL. Việc này phục vụ chỉ đạo điều hành hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp, thoát nước cho sản xuất, dân sinh cũng như vận hành hệ thống thủy lợi phòng chống hạn, xâm nhập mặn hiệu quả. Riêng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn sẽ cập nhật, có báo cáo chi tiết, cụ thể tình hình một cách sớm nhất và rộng khắp. Từ những kinh nghiệm sản xuất năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ có kịch bản cụ thể đối phó với hạn, mặn trong thời gian tới.

TS Nguyễn Hữu Tỉnh, Phân Viện chăn nuôi Nam bộ - Viện Chăn nuôi: Đề xuất giống vật nuôi phù hợp

Qua nghiên cứu có thể kết luận một số giống vật nuôi cần được xem xét hỗ trợ phát triển trong điều kiện tự nhiên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn ở vùng ĐBSCL hiện nay.

Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả trong chăn nuôi các giống vật bản địa, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ bằng chính sách. Theo đó Chính phủ cần đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu xây dựng các quần thể giống vật nuôi bản địa thuần chủng với quy mô đủ lớn (hàng chục ngàn cá thể/giống) phục vụ công tác chọn tạo và cải tiến năng suất thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó là nghiên cứu các mô hình chăn nuôi hữu cơ tiếp cận được với các tiêu chuẩn của châu Âu và Bắc Mỹ trong mối liên kết với các thành phần chủ yếu khác của hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ nhằm gia tăng giá trị thực sự cảu các sản phẩm vật nuôi bản địa; đồng thời phải xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào khâu tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.

GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Nên có những giải pháp phi công trình

Trong điều kiện các tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính trên đồng bằng đã thấy rõ và tình trạng suy thoái lũ, mất phù sa, rất cần nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các vùng. Hoặc rà soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL trong điều kiện có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa.

Lũ về chậm và ít nước trên cánh đồng ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Nâng cao nhận thức của cộng đồng để chủ động thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thượng lưu để người dân có ý thức bảo vệ môi trường nước, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng cho người dân vùng ĐBSCL và có sự chuẩn bị trước các tình huống có thể xảy ra trên đồng bằng trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách, cùng các giải pháp sinh kế nhằm giảm thiệt hại cho các nhóm dễ ảnh hưởng (hộ nghèo, ít đất sản xuất…). Song song đó là tăng cường năng lực cho các cấp quản lý bằng việc xây dựng quy trình vận hành các công trình, hệ thống thông tin cảnh báo.

Cuối cùng là xây dựng, triển khai các giải pháp xã hội nhằm hỗ trợ các hộ phụ thuộc chính vào sản xuất nông nghiệp lại có ít diện tích, người nghèo.

Bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường: Các giải pháp triển khai đồng bộ

Để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, cần tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Kết hợp từ kết quả này để xây dựng các công trình khai thác nước ngầm nhằm sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.


Cần thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời giúp phòng, chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề tài nguyên nước giữa các bên liên quan. Theo đó là củng cố, tăng cường bộ máy quản lý tài nguyên nước ở các cấp, nhất là cấp sở và phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện trên toàn đồng bằng. Cần đầu tư xây dựng, vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể chung của toàn vùng, liên vùng và bảo đảm tính thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngoài ra cần có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn nguồn lực trong từng giai đoạn để lựa chọn phương án phù hợp nhất.

PGS.TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông: Quản lý, duy tu hệ thống kênh rạch ĐBSCL

Công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL là rất quan trọng nhằm duy trì sự phát triển châu thổ một cách bền vững. Vì vậy kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng một đề án hay chương trình để Chính phủ phê duyệt nhằm quản lý vận hành và duy tu hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL. Trong đó, xây dựng một chương trình dài hạn cho công tác nạo vét và đề án hay chương trình này cần đạt được một số mục tiêu chính.

Thứ nhất là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu về toàn bộ hệ thống kênh rạch ở vùng ĐBSCL. Phân loại được các kênh có nhiệm vụ chủ yếu cho tiêu thoát lũ, cung cấp nước, trữ nước và vận tải thủy. Sau đó là phân cấp được quản lý đối với việc vận hành khai thác, duy tu hệ thống kênh rạch vùng ĐBSCL. Thứ hai là xác định được kế hoạch nạo vét kênh rạch.

Khi thực hiện được những mục tiêu trên thì cuối cùng là phải xây dựng được một quy hoạch các “ngân hàng đất” tại ĐBSCL. Việc xử lý chất thải và tái sử dụng đất nạo vét chưa được xây dựng thành công đoạn tiếp tục của quá trình nạo vét.
Anh Đức
Người dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao chờ lũ
Người dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao chờ lũ

Vài năm nay lũ không về, nguồn cá tôm ngày càng khan hiếm. Cuộc sống của những người dân Đồng bằng sông Cửu Long vốn phụ thuộc vào đánh bắt cá tôm mưu sinh nay càng cơ cực. Cùng với đó, người dân cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như sạt lở đe dọa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN