Đồng bằng sông Cửu Long phát huy lợi thế trong hợp tác với Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, ngày 18/6, tại Cần Thơ đã diễn ra Tọa đàm “Phát huy hiệu quả hợp tác với đối tác Nhật Bản”.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Tọa đàm.

Đây là dịp để đối tác hai bên đối thoại, tìm ra phương hướng hợp tác hiệu quả nhất trong tương lai, dựa trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh về nhân lực và tài nguyên đất đai vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin: Nhật Bản là đối tác thứ 2 trong lĩnh vực lao động, đối tác thứ 3 về đầu tư và du lịch và là đối tác thứ 4 về thương mại của Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu; tích cực phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực… 

Về quan hệ cấp địa phương, thành phố Cần Thơ đã thiết lập quan hệ hợp tác với 3 địa phương của Nhật Bản là tỉnh Hyogo, thành phố Okayama và thành phố Nasushiobara thuộc tỉnh Tochigi. Hiện trên địa bàn thành phố có 6 nhà đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Cần Thơ với Nhật Bản là 233 triệu USD; 4 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 50 triệu USD.

Ông Nguyễn Thực Hiện đánh giá: Các con số này còn khá khiêm tốn so với lợi thế về mối quan hệ hợp tác hữu nghị thân thiết giữa hai quốc gia, cũng như tiềm năng sẵn có giữa các địa phương.

Là một trong 3 địa phương có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cần Thơ, ông Watanabe Michitaro, Thị trưởng thành phố Nasushiobara cho hay, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, dồi dào của Việt Nam. Bên cạnh đó là sự chịu thương chịu khó, ham học hỏi của người lao động. Ông Watanabe Michitaro cho rằng, để gia tăng hơn nữa lợi thế cạnh tranh về nhân lực, lao động Việt Nam cần xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật trong công việc.

Chú thích ảnh
Ông Toshiyuki Ishii, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang phát biểu tại Tọa đàm. 

Đồng quan điểm, ông Toshiyuki Ishii, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn lao động Việt Nam đang làm việc trong các công ty Nhật Bản xây dựng được phong cách làm việc “2 đúng”. Đó là đi làm đúng giờ; sản xuất đúng tiêu chuẩn.

Ngoài ra, ông Toshiyuki Ishii mong muốn lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng phát triển khoa học công nghệ. Đây là yếu tố then chốt để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời kỳ mới, làm chủ máy móc thiết bị tự động hóa, công nghệ cao.

Bàn về câu chuyện hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản trên cơ sở tối đa hóa thế mạnh đôi bên, hướng đến các bên đều có lợi, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có thế mạnh về đất đai, nông - thủy - hải sản, trong khi đó Nhật Bản mạnh về công nghệ, công thức chế biến. Như vậy, nên tới hướng hợp tác xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất tại Việt Nam, theo công nghệ, quy trình Nhật Bản, có chuyên gia Nhật Bản “cầm tay chỉ việc”.

Chú thích ảnh
Anh hùng lao động, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (thứ 3, từ phải sang) phát biểu tại Tọa đàm.

GS.TS Võ Tòng Xuân lấy dẫn chứng về nguồn cung lươn tại Sóc Trăng và Hậu Giang. Chất lượng lươn tại các tỉnh này được thị trường Nhật Bản đánh giá cao, giá thành lại rẻ gấp nhiều lần so với nguồn cung lươn tại Nhật Bản. Nếu có thể chế biến lươn ngay tại Sóc Trăng và Hậu Giang theo chuẩn Nhật Bản để cung ứng cho thị trường tại Việt Nam. Sau đó, cung ứng qua thị trường Nhật Bản thì sẽ gia tăng giá trị con lươn và nông dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định. Về phía Nhật Bản cũng sẽ có nguồn cung chất lượng, ổn định, giá thành cạnh tranh.

Về đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao, GS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện trường nhận được sự hỗ trợ của Nhật Bản trong 2 dự án: nâng cấp kỹ thuật triển khai hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và các trường đại học Nhật Bản; nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ từ nguồn vốn vay ODA với số tiền 106 triệu USD.

Trên cơ sở sự hỗ trợ này, Trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và Tòa nhà Công nghệ cao. Đây là nơi học tập và thực hành hiện đại, đáp ứng tốt cho việc đào tạo nhân lực công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin thêm: Trung ương đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ như: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến cao tốc đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, dự án nạo vét đường hàng hải Định An - Cần Thơ để sẵn sàng đón các tàu có trọng tải trên 10.000 tấn vào Cần Thơ...

Các dự án này sẽ làm thay đổi diện mạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ còn dành một khu đất 30ha để thành lập Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện tại, Khu công nghiệp này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến khai thác kinh doanh.

Bài và ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Giao lưu, hợp tác Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản
Giao lưu, hợp tác Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Tối 17/6, tại Công viên Lưu Hữu Phước (thành phố Cần Thơ) diễn ra Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN