Phát triển chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc

Đưa chăn nuôi thành hàng hóa theo chuỗi giá trị

Trong nhiều năm tới, chăn nuôi vẫn có vị trí quan trọng nhất định trong phát triển kinh tế các tỉnh vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Ứng dụng công nghệ phát triển chăn nuôi bò Cao nguyên đá

Dự án “Ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển sản phẩm bò Cao nguyên đá thành hàng hóa theo chuỗi giá trị” là dự án hợp phần, chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Chính vì vậy, để triển khai dự án hiệu quả, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các sở, ngành chức năng và huyện Quản Bạ cần khẩn trương hoàn tất các nội dung của dự án trình UBND tỉnh.

Người dân bản Nà Láo, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phòng chống rét cho gia súc. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Hà Giang là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn. Từ nhiều đời nay, chăn nuôi bò luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Dự án sẽ tạo ra được sản phẩm bò thịt chất lượng cao thương hiệu bò Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, qua đó sẽ liên kết nhằm ứng dụng đổi mới công nghệ trong chuỗi giá trị để xúc tiến phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm bò thịt trong nước, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ, các đề án, dự án thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc như Đề án “Hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2005 - 2006”. Chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, tổng đàn trâu hiện có 100.000 con, đàn bò 19.000 con. Những năm tới, Yên Bái tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Minh Đường, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ): Nuôi bò cho thu nhập ổn định

Trước đây gia đình tôi rất nhiều khó khăn, cả nhà gần chục miệng ăn nhưng chỉ trông vào vài sào ruộng khoán. Tuy có đồi rừng, nhưng cũng chẳng biết nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, Nhà nước hỗ trợ cho một con bò lai Sind và gia đình vay mượn để mua thêm một con nữa. Sau gần hai năm chăm sóc, cặp bò đã sinh sản được một con bê. Cứ như vậy, đến nay, năm nào gia đình cũng có bò để bán.

Gia đình tôi đang nuôi một đàn 8 con, trong đó có ba bò mẹ, mỗi năm sinh sản được ba con, nếu bán đi cũng thu được hơn 40 triệu đồng. Hằng năm, gia đình đều được cán bộ thú ý hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh, phòng chống rét cho bò. Nuôi bò không tốn nhiều công sức nhưng cho thu nhập cũng ổn định. Tôi đã vận động con cháu và dân trong bản cải tạo đàn bò cóc để mở rộng chăn nuôi trâu, bò thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thào Giống Sếnh, Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La): Phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Xác định lợi thế là có nhiều bãi chăn thả rộng, thức ăn tự nhiên phong phú, đặc biệt là ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển chăn nuôi, xã đã vận động nhân dân tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trước đây chỉ coi chăn nuôi là nghề phụ, lấy sức kéo thì nay đã chú tâm vào phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét, chúng tôi tích cực vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng kém năng suất sang trồng cỏ voi, đồng thời chủ động tiêm phòng vắc xin để phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò... Nhờ vậy, đàn gia súc khỏe mạnh, sinh sản nhanh, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ để duy trì ổn định và bảo vệ đàn vật nuôi hiệu quả.

Long Hẹ xác định trong những năm tới đặc biệt chú trọng vận động nhân dân tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, phấn đấu trong nhiệm kỳ tới sẽ tăng thêm khoảng 2.000 con gia súc. Đồng thời, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, để người dân yên tâm sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam: Đối mặt nhiều thách thức

Ngành chăn nuôi của nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nội tại. Cụ thể, ngành chăn nuôi chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu kém... Hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản ở nước ta đều phải nhập từ nước ngoài. Ngay những địa phương có nhiều thế mạnh về chăn nuôi, cũng đang loay hoay với bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh trước hội nhập.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT):Thay đổi cơ cấu vật nuôi

Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 2/2016, tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã bị thiệt hại 31.077 con gia súc sau đợt rét đậm, rét hại kỷ lục vừa qua.

Về lâu dài chúng ta cần có giải pháp căn cơ, cần phải thay đổi cơ cấu vật nuôi cho phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt, cần hướng dẫn cho bà con các hoạt động thương mại, ví dụ trên vùng núi nhiều hộ có đàn trâu bò cả chục con nhưng bà con không có khái niệm con già yếu cần phải vỗ béo và bán trước mùa đông. Vì mùa đông những con trâu bò già yếu không chịu được. Bên cạnh đó, số tiền bán trâu, bò sẽ được đầu tư cho củng cố chuồng trại, mua thức ăn thô dự trữ... Tuy nhiên, do phần lớn bà con là dân tộc ở vùng sâu vùng xa nên khó thay đổi được tập quán, phương thức sản xuất.

Đồng thời, cần phải thay đổi mô hình chăn nuôi từ manh mún nhỏ lẻ sang mô hình liên kết sản xuất như hợp tác xã, doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiện đại, gắn với việc kết hợp trồng cỏ. Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng trồng cây thức ăn. Có kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau rét đậm, rét hại. Có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, tái sản xuất ngay sau khi thiệt hại do rét đậm, rét hại.

Cục Chăn nuôi đã tổng hợp số liệu để Bộ NN&PTNT trình Trung ương hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Đồng thời, nông dân cũng đang hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh. Theo đó, mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/con đối với trâu, bò, ngựa; 2 triệu đồng/con đối với hươu, nai, cừu, dê; 750.000 đồng/con đối với lợn... để mua con giống, tái sản xuất.

Ông Lục Văn Đuông, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn): Nhân rộng mô hình trồng cỏ voi

Mô hình trồng cỏ voi để vỗ béo trâu, bò phù hợp với địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã Mỹ Phương đang có 20 thành viên tham gia mô hình trồng cỏ voi. Thực hiện mô hình này, người dân được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cách trồng cỏ, chăm sóc vỗ béo trâu bò, pha trộn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng bệnh, vốn vay…

Trước đây người dân chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là thả tự do lên rừng nên hiệu quả thấp, không kiểm soát được nên trâu, bò dễ mắc dịch bệnh, chết rét. Từ khi tham gia dự án mô hình trồng cỏ voi để vỗ béo gia súc, được cán bộ hướng dẫn thấy hiệu quả rõ rệt, gia đình tôi đã trồng hơn 1.000 m2 cỏ voi nên có thức ăn dự trữ vào mùa đông. Trâu, bò được cho ăn đầy đủ và chuồng trại khô ráo nên nhanh lớn. Sau 3 tháng vỗ béo là có thể bán, mỗi con cũng lãi được 4-5 triệu đồng. Hiện nhiều hộ dân khác trong thôn cũng đã trồng cỏ voi để vỗ béo trâu, bò; phân trâu, bò còn được các hộ dân tận dụng để bón cây, nuôi giun quế. Khi có việc làm, có thu nhập, cuộc sống được cải thiện sẽ hạn chế việc người dân vào rừng khai thác lâm sản, phát nương làm rẫy.
V.T
Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp
Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp

Những năm gần đây, với lợi thế về đồng cỏ, nguồn thức ăn tận dụng tại chỗ nên vùng Tây Bắc bước đầu hình thành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ. Tuy nhiên, quá trình phát triển chăn nuôi của vùng này trong những năm qua bộc lộ nhiều bất cập như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt; tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông và chưa chủ động được thức ăn, việc tự đảm bảo về con giống còn yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN