Theo đó, 7 chuyến hàng về các huyện vùng sâu, biên giới trong đất liền là Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Giang Thành; 2 chuyến hàng về các xã đảo An Sơn, Nam Du, Lại Sơn, Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải, 3 xã đảo Hòn Nghệ, Sơn Hải của huyện Kiên Lương và Tiên Hải, thành phố Hà Tiên.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Co.op-mart Kiên Giang thực hiện những chuyến hàng này với tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ các khoản chi phí 415 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Quốc Thuận, Phó Giám đốc Co.op-mart Kiên Giang cho biết, lượng hàng đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên 80 tấn, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng. Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá đa dạng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất. Phần lớn là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp tết như: gạo, nếp, đậu các loại; sữa, dầu ăn, nước chấm, đường, muối, gia vị, bánh, kẹo, mứt các loại; nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát và một số mặt hàng kim khí, điện máy,…
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với địa phương tuyên truyền để thông tin đầy đủ, kịp thời về những chuyến hàng bình ổn giá đến người tiêu dùng gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đoàn kiểm tra, giám sát việc đưa hàng hóa bình ổn giá bán tại các huyện vùng sâu, biên giới, hải đảo được tổ chức; phối hợp với địa phương kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các hành vi bịa đặt, đưa thông tin không đúng sự thật về hàng hóa, giá cả thị trường được phát hiện, xử lý kịp thời tránh gây hoàng mang trong nhân dân.