Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc với địa hình đồi núi rộng, diện tích đất lâm nghiệp lớn, tạo điều kiện trong việc phát triển kinh tế đồi rừng cho người dân. Tỉnh hiện có hơn 520.000 ha đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích đất rừng hiện có 470.000 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích đất lâm nghiệp.
Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức cho người dân, chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng.
Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của thôn bản, tổ dân phố, khu dân cư.
Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, Quỹ đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng... gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng. Đồng thời, lồng ghép, huy động mọi nguồn từ các chương trình để bảo vệ, phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh việc vận dụng các chủ trương, chính sách để triển khai trồng rừng phòng hộ, rừng thay thế, Lai Châu còn quan tâm trồng rừng sản xuất để gắn lợi ích kinh tế với nâng độ che phủ rừng, giúp dân gắn bó với rừng. Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 3 đề án phát triển trồng quế, sơn tra và mắc ca với nhiều hỗ trợ về cây giống, phân bón, công chăm sóc. Ba loại cây trồng này không chỉ đem lại thu nhập cao mà khi rừng tốt, bà con còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cùng đó, tỉnh cũng chú trọng giao khoán diện tích rừng cho đơn vị, người dân bảo vệ. Đến nay, toàn tỉnh có 13 chủ rừng là tổ chức, 106 đơn vị cấp xã được Nhà nước giao quản lý rừng, còn lại là các cá nhân, hộ gia đình. Thu nhập bình quân của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng từ 2 triệu đồng năm 2012 lên 6,5 triệu đồng năm 2019.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu đã chi trả số tiền hơn 2.000 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng cho 78.754 hộ dân, với trên 445.000 ha diện tích rừng; năm 2019, chi trả 114 tỷ đồng cho các hộ dân tham gia trồng rừng thay thế với diện tích hơn 5.500 ha. Trong năm 2015 - 2016, tỉnh có gần 353.000 ha rừng được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn 30a và vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Thực tế cho thấy, việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực tại địa phương; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm. Năm 2011 số vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng là 257 vụ thì đến năm 2019 chỉ còn 172 vụ, giảm 85 vụ.
Trên các sườn núi, cánh rừng ở huyện Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ, Tân Uyên, Phong Thổ của tỉnh đến nay đều phủ một màu xanh, góp phần bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và cho hoạt động thủy điện, giúp giảm nhẹ thiên tai.
Ông Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ chia sẻ, toàn huyện có trên 44.000 ha rừng. Thời gian qua, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ phát triển rừng thông qua trồng mới, khoanh nuôi tái sinh gắn với các chính sách hỗ trợ; đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và phát huy vai trò cộng đồng trong phòng chống cháy rừng; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi đốt, phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật.
Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với trách nhiệm tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ dân được hưởng lợi. Năm 2019, huyện đã chi trả tiền môi trường rừng 24,173 tỷ đồng cho 12.479 hộ, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 45%.
Người dân huyện Phong Thổ, đặc biệt đồng bào dân tộc thiếu số đã tự giác nâng cao ý thức bảo vệ rừng, có trách nhiệm với rừng và tình trạng đốt nương làm rẫy không còn xảy ra.
Anh Ma A Sèo - Trưởng bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ tâm sự, trước đây, dân ở đây có thói quen đốt nương để làm rẫy trồng ngô, lúa, từ đó gây ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Nhiều năm gần đây, được sự tuyên truyền sâu rộng của cán bộ địa phương, dân trong bản từng bước nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh.
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Lai Châu trồng hơn 6.700 ha quế, trên 1.100 ha sơn tra và 3.600 ha mắc ca; trong đó, diện tích rừng trồng mới là 10.523 ha; trồng cây gỗ lớn 2.232 ha với các loại cây có giá trị như: Lát hoa, Sấu, Giổi, Sa mộc... Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên tại Lai Châu cũng đạt hơn 39.200 ha với mức hỗ trợ bình quân 0,5 triệu đồng/ha/năm. Diện tích khoanh nuôi tái sinh thành rừng trên 31.400 ha.
Từ việc chú trọng công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân Lai Châu đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 50,16% năm 2019. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là việc bảo vệ rừng; tiếp tục vận động các hộ dân tham gia giao khoán diện tích rừng, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng hiện có.