Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Không nên “ăn xổi”
Du lịch vùng Tây Bắc còn rất nhiều việc phải làm để khai thác tiềm năng của vùng. Trong đó, cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch, có cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng dành cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với địa phương, liên kết vùng; làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá. Phải đặc biệt quan tâm phát triển du lịch một cách bền vững, không phát triển quá nóng, tránh làm tổn hại đến bản sắc văn hóa của đồng bào, cũng như bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên, thiên nhiên của vùng. Tây Bắc cần tập trung cho thị trường nội địa trước khi nhắm đến những thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thị trường nào để quảng bá xúc tiến và đầu tư khai thác cũng cần phải nghiên cứu xem xét cẩn trọng, tránh việc đầu tư tràn lan, không hiệu quả.
Hiện nay, du lịch vùng Tây Bắc phát triển chưa xứng với những tiềm năng phong phú sẵn có. Các địa phương trong vùng cần chủ động hơn nữa trong việc đưa ra những chính sách hợp lý để khơi thông, thu hút nguồn khách đến Tây Bắc. Tuy nhiên, phát triển du lịch không được nóng vội, mọi nỗ lực và hành động phải được thực hiện một cách bền vững.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc
Chúng ta hội nhập, phát triển kinh tế, phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc, đây là cách làm cần phát huy. Bản sắc văn hóa chính là nguồn năng lượng để phát triển bền vững du lịch Tây Bắc. Muốn gìn giữ và duy trì bản sắc văn hóa thì chất lượng cuộc sống của người dân bản địa phải được quan tâm. Những người dân địa phương khi ý thức và nhận được những lợi ích từ việc làm du lịch thì họ sẽ là người gìn giữ và phát huy nét đặc sắc của văn hóa tốt nhất.
Hiện nay Hà Giang đã có những nghị quyết về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đó là cách làm riêng của chúng tôi. Và “homestay” là quan điểm mà Hà Giang đã đặt ra. Chúng tôi không quá khuyến khích các khách sạn cao cấp, mà tập trung phát triển mô hình “homestay”. Việc du khách ở tại nhà dân, để người dân hướng dẫn cho du khách trải nghiệm sẽ hấp dẫn hơn. “Homestay” đã mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào mà không phá vỡ không gian sống của họ mà vẫn lưu giữ được nền văn hóa bản địa.
Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành công ty du lịch Luxury Travel: Cần có cơ chế mới để thu hút các nhà đầu tư
Theo tôi, Tây Bắc chưa có cơ chế để phát triển, chưa coi du lịch là nền kinh tế mũi nhọn, để phát triển bền vững, lâu dài. Cho nên Tây Bắc cần có cơ chế để tạo ra nhiều cơ hội, thu hút các nhà đầu tư. Tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng. Đặc biệt là du lịch đường sông ở Tây Bắc, có nghĩa là dựa vào đường thủy để phát triển du lịch trải nghiệm, phát triển những cầu cảng để cập bến, có hoạt động cho du khách khám phá, tham quan di tích lịch sử, nét văn hóa vùng miền hoặc gặp gỡ những người bản địa, đồng thời phát triển mô hình homestay và cải thiện dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại mỗi điểm nghỉ…
Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) là điểm đến của nhiều bạn trẻ yêu thích chụp ảnh. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Thế mạnh của Tây Bắc là văn hóa dân tộc, là cảnh quan hùng vĩ, nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Một vấn đề nữa trong du lịch Tây Bắc là hiện tại nguồn nhân lực làm du lịch tại Tây Bắc rất ít và đến nay vẫn chưa có cơ chế để tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, người làm du lịch tại Tây Bắc chủ yếu dưới dạng tự phát, cần nỗ lực hơn để biến Tây Bắc thành vùng đất màu mỡ của ngành du lịch.
Ông Lường Văn Chương, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên): Đào tạo nhân lực địa phương
Tại bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, đời sống của đồng bào dân tộc Thái đã được nâng lên nhờ phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Chúng tôi đã thành lập đội văn nghệ, tổ phục vụ nấu ăn, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực cho du khách đến tham quan, mỗi năm doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, để phát huy tiềm lực phát triển du lịch của địa phương, các cấp chính quyền cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực làm du lịch là người địa phương. Hiện nay, việc phát triển du lịch ở bản Him Lam 2 mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, “được chăng hay chớ”. Vì vậy, để phát triển du lịch bản Him Lam 2 nói riêng và các địa bàn khác nói chung, Nhà nước cần quan tâm đào tạo người địa phương để họ biết cách làm du lịch, không còn tình trạng chèo kéo khách. Người dân được học cách giao tiếp, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng hình ảnh đẹp, mang nét văn hóa riêng đặc trưng tới du khách.
Ông Lò Văn Sơi, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu): Hỗ trợ đồng bào dân tộc làm du lịch
Văn hóa dân tộc Thái ở huyện Than Uyên đang bị mai một. Các lễ hội như lễ Xuống đồng, Hội xòe, lễ Chiêng xoong... đang đứng trước nguy cơ bị mất đi. Lớp trẻ không biết hát những bài hát dân ca, dân vũ của dân tộc và các điệu múa truyền thống của dân tộc mình, không mặc trang phục dân tộc nữa. Nếu phát triển du lịch sinh thái mà văn hóa dân tộc mình bị mai một và mất đi thì không còn bản sắc riêng để thu hút khách du lịch.
Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để bảo tồn văn hóa của dân tộc một cách bền vững và hiệu quả. Các lễ hội, ngày Tết dân tộc được khôi phục và tổ chức định kỳ hàng năm, địa phương đẩy mạnh truyền thông để thu hút du khách gần xa về dự. Đồng thời, Nhà nước cũng quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để đồng bào dân tộc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch như: Tu sửa nhà cửa, làm công trình vệ sinh, đầu tư trang phục dân tộc trong các buổi biểu diễn phục khách… Từ đó, mỗi địa phương xây dựng thành thương hiệu du lịch của riêng mình để thu hút du khách đến ngày một nhiều hơn.