Các em được bố trí 1 phòng riêng tại Đội công tác địa bàn của các đồn, mỗi em có chỗ ở, góc học tập riêng, trang bị đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Các cán bộ được phân công trực tiếp chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn các em học tập, rèn luyện, hỗ trợ mỗi em 1 chiếc xe đạp để đến trường. Đối với các em, những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng vừa là Cha, vừa là Thầy, gương mẫu, chỉ bảo các em trong học tập và hướng dẫn những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.
Em Lê Đại Vỹ, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Trần Phú, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ có hoàn cảnh khó khăn, được Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) nhận nuôi. Bố Vỹ bị tai nạn mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, để lại Vỹ sống với bà nội. Bà nội khó khăn, Vỹ thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm của bố mẹ.
Đầu năm 2019, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nhận Vỹ về nuôi dạy, đón em lên ở cùng các chú bộ đội tại Đội công tác địa bàn thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Qua gần 2 năm ở chung với các chú bộ đội biên phòng, Vỹ nay đã tăng cân, học giỏi hơn trước.
Bà Lê Thị Quyền, bà nội em Lê Đại Vỹ xúc động trước hành động cao cả của các chú bộ đội Đồn biên phòng. Bà Quyền cho biết, do bà đã lớn tuổi, thường xuyên đau ốm, gia đình khó khăn không thể chăm sóc tốt cho Vỹ. Từ khi Vỹ được bộ đội biên phòng nhận nuôi, nhìn em khỏe mạnh và học tập tốt, bà rất yên tâm. Mỗi ngày nghỉ lễ, Tết, Vỹ về nhà thăm bà, thấy tác phong nhanh nhẹn, lễ phép, biết giúp bà nhiều việc nhà, bà rất vui.
Tương tự, hoàn cảnh của em Nguyễn Quốc Tĩnh, lớp 7, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ vô vàn khó khăn. Bố mẹ mất vì tai nạn giao thông, Tĩnh chỉ còn anh trai đang học Đại học năm thứ nhất, không có bà con thân thuộc. Thấy cảnh anh em côi cút, sống trong căn nhà tạm, nhưng cậu bé Tĩnh có ý chí học hành, Bộ đội Đồn biên phòng quốc tế Lệ Thanh đã nhận Tĩnh về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tĩnh cho biết, được các "bố bộ đội biên phòng" nuôi dưỡng, dạy học, em rất vui và hạnh phúc. Tĩnh tự hứa với bản thân phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này trở thành bộ đội biên phòng để bảo vệ Tổ quốc và nhận nuôi những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình.
Theo cô Võ Lê Minh Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Tĩnh, biết hoàn cảnh khó khăn nên thầy cô, bạn bè luôn ưu tiên, tạo điều kiện cho Tĩnh yên tâm học tập. Các khoản vận động quyên góp cho trường lớp của Tĩnh thường được các bạn hỗ trợ đóng góp thay. Các thầy cô giáo bộ môn cũng đặc biệt quan tâm bài vở của Tĩnh. Tĩnh là học sinh ngoan, hòa đồng, có học lực khá, hạnh kiểm tốt. Cùng với việc nhận nuôi Tĩnh, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn kêu gọi mạnh thường quân, các quỹ hỗ trợ người nghèo, xây một căn nhà với trị giá hơn 50 triệu đồng để giúp anh em Tĩnh có nơi ở ổn định.
Trung úy Rơ Chăm Tuyn, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết, mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" lan tỏa tại các đồn biên phòng trên tuyến biên giới, giúp nhiều học sinh có cơ hội tiếp tục đến trường. Bằng trách nhiệm cũng như tình cảm của một người cha thường xuyên xa nhà, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã chăm nuôi các em như người thân trong gia đình. Ngoài việc ăn, ở, sinh hoạt, bộ đội còn dạy các em kỹ năng sống cơ bản, đặc biệt chú trọng dạy học cho các em.
Cùng với đó, các "bố nuôi" cũng thường xuyên học hỏi, trau dồi, phổ cập kiến thức để có thể dạy cho các em học theo chương trình giáo dục mới.
Dưới mái nhà chung của lực lượng bộ đội biên phòng, các em đều được dành tình cảm yêu thương, dạy dỗ học tập, rèn luyện nhân cách để lớn lên có thể trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, những người lính biên phòng còn làm tròn trách nhiệm "người bố" của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh trên tuyến biên giới ngày càng gần gũi, thân thương với người dân vùng biên. Những việc làm ý nghĩa nơi "phên dậu vững chắc" của Tổ quốc đang góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của người dân nơi đây tích cực tham gia giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.