Giải pháp cho doanh nghiệp cao su khi giá xuống

Hỏi: Trong bối cảnh thị trường mủ cao su xuống thấp và kéo dài, doanh nghiệp trồng cao su cần có giải pháp gì?

Trả lời: Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thực hiện tiết giảm suất đầu tư cho vườn cây, trên cơ sở vườn cây cao su vẫn phát triển tốt và đảm bảo mức thu nhập của công nhân ổn định. Chủ trương tiết giảm suất đầu tư cho vườn cây cao su trong các doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên mới được thực hiện từ năm 2014 bằng các giải pháp căn cơ và hiệu quả, trên cơ sở tiết kiệm công lao động, phân bón...

Khai thác mủ cao su. Ảnh minh họa


Từ chỗ trước đây Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hợp đồng với các doanh nghiệp suất đầu tư trồng mới, chăm sóc cho mỗi héc ta trên 100 triệu đồng, nay cân đối chỉ còn 73 triệu đồng/ha/chu kỳ 7 năm.

Các doanh nghiệp trồng cao su còn tổ chức trồng xen các loại cây trồng trong các lô cao su tái canh với mục đích tăng giá trị sử dụng đất, chủ yếu là tăng mức thu hàng năm cho công nhân lao động, tạo sự yên tâm cho công nhân bám vườn cây để sản xuất. Tùy theo điều kiện của từng vườn cây cao su, các doanh nghiệp bố trí từng loại cây trồng hợp lý; nơi nào có nguồn nước tưới thì bố trí trồng xen cà phê hoặc hồ tiêu, nơi nào thiếu nước thì trồng xen các loại cây ngắn ngày theo mùa vụ như khoai lang Nhật, bắp lai...

Xét về lợi ích kỹ thuật thì cây trồng ngắn ngày sau khi thu hoạch có thể tận dụng làm nguồn tủ ẩm, chống xói mòn, cải tạo đất cho vườn cây, mặt khác mang lại thu nhập đáng kể cho công nhân. Một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao là bắp lai và khoai lang Nhật đã đem lại lợi nhuận cho công nhân từ 40-60 triệu đồng/ha.

 Việc tiết giảm suất đầu tư cho các vườn cao su và tổ chức trồng xen trong các lô cao su tái canh trong bối cảnh có sự biến động mạnh của giá cả thị trường là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Sự cần thiết này sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tới, trên cơ sở các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát cụ thể, chi tiết của từng hạng mục tiết giảm suất đầu tư phù hợp, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 259.000 ha cao su, chiếm gần 26% diện tích cao su của cả nước, chủ yếu nằm ở địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk; trong đó, diện tích cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác trên 116.000 ha, với sản lượng mủ khô đạt trên 170.500 tấn.

 


 

V.T
Ngừng cạo mủ cao su do giá thấp
Ngừng cạo mủ cao su do giá thấp

Sản lượng và giá xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên “lao dốc” trong 9 tháng năm 2014 đã khiến nhiều hộ dân bắt đầu ngừng cạo mủ, vì thu hoạch không đủ trả tiền nhân công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN