Đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh, trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc tiếp tục có bước phát triển khá, tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) hằng năm giai đoạn 2011- 2016 đều tăng trên 8%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng cơ bản ổn định; công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân; việc quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh vùng Tây Bắc đã góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế du lịch trong vùng.
Công tác giáo dục - đào tạo duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tại các địa phương vùng Tây Bắc. Việc kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên tiếp tục được quan tâm, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Các địa phương đã tập trung rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đảm bảo hợp lý, hiệu quả và chất lượng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chăm lo.
Quang Cảnh buổi làm việc. |
Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương vùng Tây Bắc, kinh tế tuy có mức tăng trưởng khá, song quy mô còn nhỏ, GDP bình quân đầu người chỉ bằng 60% bình quân cả nước.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thực tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vừa thiếu, vừa yếu; nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo còn chồng chéo, vướng mắc, hiệu quả thấp…
Tại các địa phương vùng Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 26,53%, cao hơn bình quân cả nước 3,2 lần. Đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương xem xét ban hành Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và ban hành các chính sách dân tộc nói chung; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất đầu tư cho y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa; các chương trình, dự án phát triển kinh tế tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.
Tại buổi làm việc, nhiều nội dung cũng được các đại biểu quan tâm đề cập như: Quá trình thực hiện các chế độ, chính sách về văn hóa, giáo dục, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tiến độ các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương tại các địa phương; đặc biệt là việc quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình trường, lớp học bán trú cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn: Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Bắc qua việc khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế tại các cơ sở sẽ có những báo cáo tổng hợp phản ánh lên Quốc hội và các bộ, ngành của Trung ương một cách kịp thời nhất.