Tây Nguyên có gần 1 triệu hộ nông dân, trong đó có hàng nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; 70% dân số sinh sống tại nông thôn và là nơi sản xuất ra hầu hết sản phẩm nông nghiệp của vùng. Những năm tới, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ có nhiều chính sách, dự án cụ thể để hỗ trợ, tạo cơ hội cho nhà nông phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế, xứng với tiềm năng, vị thế của người và đất Tây Nguyên.
Già làng Y Seng Buon Ya, người Ê Đê ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) chia sẻ: “Ba buôn (EaKMat, TaRa, Puôr) có 650 hộ và 650 ha đất nông nghiệp. Trong những năm qua, bà con dân tộc trên địa bàn chủ yếu trồng cà phê, nhưng cây trồng này đã già, năng suất kém nên đời sống rất khó khăn. Bà con có cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các gương nông dân làm kinh tế giỏi, để học hỏi và áp dụng vào trong sản xuất là rất mừng”.
Gia đình già làng Y Seng Buon Ya được công ty cà phê đóng trên địa bàn giao khoán chăm sóc 4 ha cà phê. Bước đầu già làng Y Seng Buon Ya đã trồng 5 sào cây chanh leo và đầu năm nay cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Già làng Y Seng Buon Ya cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật và vay vốn ngân hàng, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng sầu riêng xen canh với cà phê”. Theo già làng Y Seng Buon Ya, người nông dân sản xuất phải thật thà, đạo đức, chấp nhận những khó khăn bước đầu và mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất. Vốn ít thì phải “lấy ngắn nuôi dài”, bằng cách đa canh, đa cây, đa con, để trật cái này thì sẽ trúng cái khác.
Chị Nguyễn Thị Thái Hà ở huyện CưM’gar (Đắk Lắk) đã thành công với mô hình đại điền nhờ chọn giống cây phù hợp cho năng suất cao và giá trị kinh tế. Hiện nay, gia đình chị Hà có 22 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trồng các cây như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bưởi da xanh... mỗi năm tổng doanh thu đạt 7 tỷ đồng. Chị Hà cho biết: “Tôi có được những thành công như hôm nay là nhờ cố gắng của gia đình và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng để phát triển sản xuất”.
Theo chị Hà, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, gây rất nhiều khó khăn, tôi mong cơ quan quản lý giúp người dân trong việc canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chính quyền địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết người sản xuất và nhà tiêu thụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, ổn định giá cả cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành nông nghiệp Tây Nguyên đang đứng trước những khó khăn về biến đổi khí hậu làm hạn hán, lũ lụt tăng mạnh; cơ chế chính sách chưa được điều chỉnh phù hợp, kịp thời với thực tiễn sản xuất, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng cho phát triển nông nghiệp... Mặc dầu Nhà nước đã đầu tư không ít sức người, sức của cho phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, nhưng nông nghiệp các tỉnh trong vùng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tây Nguyên cần những chính sách đột phá, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống cho người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay vùng có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp (tăng trên 560.000 ha so với năm 2010, chủ yếu là cây cà phê, hồ tiêu, cao su), trong đó đất trồng trọt là 1,96 triệu ha. |
Gia đình anh Ngô Xuân Tam, ở xã Ea Y Ông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) được Công ty TNHH MTV cà phê Phước An giao khoán gần 1 ha đất để trồng cà phê. Năm 2004, anh Tam đã được công ty hỗ trợ trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê, đến nay đã cho thu nhập 750 triệu đồng/năm. Anh Tam cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi và nông dân trên địa bàn đã được cơ quan quản lý tạo điều kiện để canh tác, sản xuất. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách thuận lợi để nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, bảo đảm giá cả, ổn định sản xuất”. Theo anh Tam, với khó khăn về thời tiết, khí hậu thì người nông dân cần được hỗ trợ giống cây trồng, khoa học kỹ thuật phù hợp, năng suất và chất lượng mới cao.
Công ty CP TPXK Đồng Giao trong nhiều năm qua đã liên kết, ký hợp đồng bao tiêu một lượng lớn quả chanh dây cho bà con nông dân và doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn Tây Nguyên, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Để giúp nông dân phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP TPXK Đồng Giao cho rằng: “Các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường, đem lại thu nhập cao hơn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất; chú trọng công tác liên kết giữa doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông, để nông dân có sự hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với các nhà máy chế biến tại khu vực Tây Nguyên, để giúp bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân. Nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ các chính sách khuyến nông thông qua các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. Doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu, buộc phải tính toán, làm bài bản để bảo đảm hiệu quả sản xuất bền vững cho người nông dân.
Từ thực tế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã nêu ra những hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn như: Ngành nông nghiệp chưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật phổ biến rộng trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; cơ cấu cây trồng chưa được đổi mới; đặc biệt còn những “điểm nghẽn” trong vấn đề nguồn đất sản xuất, vốn đầu tư, nguồn lao động có chất lượng, sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà đầu tư còn khiêm tốn...
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Quy hoạch vùng phù hợp
Tây Nguyên có tiềm năng về đất đai, khí hậu, cây con bản địa giá trị cao để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhưng cần quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thị trường. Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và thiết kế chương trình nghiên cứu, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên mang tính tổng thể. Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Tây Nguyên. Trong liên kết “4 nhà” thì nhà doanh nghiệp, nhà khoa học phải là nòng cốt dẫn dắt, giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân Tây Nguyên đã chủ động thay thế các cây trồng không có hiệu quả, trồng xen canh và áp dụng giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển một nền nông nghiệp chất lượng, giá trị cao, rất cần nhân rộng những mô hình nông dân tỷ phú sản xuất và kinh doanh giỏi tại Tây Nguyên. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế, chính sách để nông nghiệp của vùng nhanh chóng chuyển mình, làm giàu cho đất và người Tây Nguyên. Chính quyền các tỉnh trong vùng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật hiện đại để mở rộng sản xuất. Thường xuyên phát động phong trào thi đua “Nông dân sản xuất - Kinh doanh giỏi” nhằm khuyến khích nông dân vươn lên làm giàu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tăng cường liên kết “4 nhà”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng Tây Nguyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Hiện nay, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, với những sản phẩm chủ lực quốc gia, có nhu cầu thị trường cao với giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô la như: cà phê, cao su, hồ tiêu, rau quả, hoa... Đời sống của người dân ở nông thôn được nâng lên đáng kể. Sự kết hợp hiệu quả giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, sẽ là điều kiện đủ để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tây Nguyên trong thời gian tới. Song song với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự nhập cuộc nhiệt huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp; sự quyết liệt của các cấp chính quyền và mong muốn làm giàu chính đáng của người nông dân, Tây Nguyên sẽ sớm trở thành một trung tâm nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao hàng đầu của cả nước, sẽ xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú để có thể khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk: Khuyến khích nông dân làm giàu
Đến nay, vùng Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như: cà phê, hồ tiêu, cao su... góp phần quan trọng trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn các địa phương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ngành nông nghiệp đứng trước những khó khăn về thời tiết, khí hậu, diện tích cây trồng già cỗi, vượt quy hoạch, giá cả nông sản không ổn định... Trong bối cảnh đó, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những gương nông dân làm kinh tế giỏi. Nông dân đã tìm tòi các loại cây trồng mới có giá trị, hợp khí hậu và thổ nhưỡng để thay thế dần cây kém hiệu quả, trồng xen canh với cà phê; tìm tòi các giải pháp kỹ thuật mới, các quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Nhiều mô hình sản xuất của người nông dân cho thu hoạch đạt giá trị trên dưới tỷ đồng/ha một năm. Những gương nông dân làm kinh tế giỏi là điểm sáng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nông thôn cần được khuyến khích và nhân rộng.
Bà H’Blưt Arul B.Tara, ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pak (Đắk Lắk): Hỗ trợ vốn và kỹ thuật
Bà con dân tộc trồng cà phê, nhưng do cây già cỗi nên năng suất thấp nên đã học hỏi kinh nghiệm từ các hộ gia đình trong vùng để trồng cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê. Hiện trong buôn có hơn 100 hộ (60%) tham gia đầu tư, liên kết với Công ty TNHH 2 thành viên Chư Pun để trồng 100 ha cây sầu riêng. Các hộ gia đình mong muốn mở rộng sản xuất, tham gia trồng sầu riêng, nhưng khó khăn về vốn để cải tạo đất, mua cây giống, phân bón... Nhà nước cần hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp và chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm để người dân có nguồn lực, yên tâm sản xuất. |