Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk: Đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình phúc lợiThời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khá tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn dân tộc thiểu số, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong vòng 5 năm trở lại đây, từ chương trình 135 Đắk Lắk đã đầu tư trên 345,6 tỷ đồng để xây dựng 650 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 483 công trình giao thông nông thôn, 21 công trình thuỷ lợi, 41 trường học, gần 100 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất sản xuất.
Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng quà cho bà Nguyễn Thị Lam, nạn nhân chất độc da cam điôxin, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Hiện nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk hăng hái thi đua lao động sản xuất nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của năm 2016. Trước mắt, đồng bào tập trung lao động, nguồn lực, vật tư, phương tiện chăm sóc tốt vụ lúa đông xuân và chăm sóc, tưới nước cho trên 200.000 ha cà phê để phấn đấu đạt năng suất, sản lượng cao.
Ông K’păh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: Xóa đói, giảm nghèo bền vững Từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chăm lo đến công tác xóa đói, giảm nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Điển hình như ở Gia Lai, tỉnh có khoảng 1,3 triệu dân, trong đó có hơn 45% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc J’rai và Bahnar. Đến cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo của tỉnh chiếm tỉ lệ 11,67%; số hộ cận nghèo còn 7,78%.
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu thuộc chương trình giảm nghèo còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương trong cả nước. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án, mô hình giảm nghèo còn thấp; đa số các hộ nghèo tham gia dự án là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế do vậy việc chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo mang lại hiệu quả chưa cao và khó khăn trong việc huy động vốn đối ứng để thực hiện mô hình giảm nghèo.
Tôi đề nghị Trung ương cần có chính sách mang tính căn cơ đảm bảo cho công tác xóa đói, giảm nghèo mang nhiều yếu tố bền vững trong những năm tới. Trung ương xem xét, ban hành các chính sách tập trung hơn trong giai đoạn 2016 - 2020 như chương trình tín dụng đối với người nghèo cần tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hiện hành thành một chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm. Đồng thời xây dựng hạn mức tín dụng, quy định mục đích và nội dung vay để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách, ngoài các quy định chung cho cả nước, đề nghị Trung ương có những chính sách riêng cho từng khu vực, vùng miền và đặc biệt có những chính sách ưu tiên giảm nghèo cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Bà Rơ Chăm Giáo, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy (Kon Tum): Phát huy hơn nữa thế mạnh vùng Tây Nguyên Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã chú trọng đầu tư có trọng điểm để hoàn thiện hệ thống giao thông có tính chất liên kết vùng cho Tây Nguyên, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa các thế mạnh của vùng, Chính phủ cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ cho vùng Tây Nguyên; sớm hoàn thiện các quốc lộ 14C, 24, 40, đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua các thành phố, thị xã, thị trấn; nâng cấp một số tỉnh lộ, đầu tư đường ra biên giới, đến cửa khẩu, trung tâm xã, cụm xã… Ngoài ra, để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên có cuộc sống ấm no, Trung ương cần chú trọng đầu tư các công trình, cụm công trình thủy lợi có quy mô lớn; nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi...
Đặc biệt, Trung ương cần tiếp tục phát triển toàn diện nền nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, nên xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao như cao su, cà phê hay trồng thử nghiệm cây mắc ca ở những nơi phù hợp. Hiện tại, Tây Nguyên là một trong những vùng trọng điểm của cả nước trồng cao su, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển, trong đó cây cao su đóng vai trò quan trọng, đây cũng là vùng chuyên canh cao su lớn của thế giới. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chủ yếu là xuất thô cao su nên cần đầu tư một nhà máy chế biến thành phẩm từ cao su để giúp ổn định thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, tránh phụ thuộc một thị trường nhất định. Gỡ được “nút thắt” này sẽ giúp người dân trong vùng gắn bó với cây cao su.
Bên cạnh đó, với điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khí hậu thuận lợi, chúng ta cần phát triển chăn nuôi đại gia súc như bò, dê lấy thịt, sữa ở Kon Tum, Gia Lai… Thời gian qua, tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, chúng ta cần chủ động ứng phó bằng cách nâng độ che phủ rừng cho Tây Nguyên; triển khai các biện pháp chống xói mòn, sạt lở đất, biến đổi dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái theo hướng tác động tiêu cực đến môi trường… Cần đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn các chương trình, dự án phục vụ trực tiếp cho công tác giảm nghèo...; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt đối với người dân tộc thiểu số và hộ nghèo...
Chị H’Hương Byă, buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: Đổi đời nhờ chính sách
Nhờ có Đảng, Chính phủ mà gia đình tôi đã có "của ăn của để" như hôm nay. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, trước đây đời sống rất khó khăn; cái đói, cái nghèo, ốm đau bệnh tật kéo theo dai dẳng. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo lời Đảng, Chính phủ đi vào định canh định cư, được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kỹ thuật canh tác nên đời sống người dân ngày một khấm khá. Gia đình chị hiện nay có 2 ha cà phê, trang trại vườn cây ăn quả chất lượng cao với nhiều loại cây như bơ sáp, sầu riêng nhờ thâm canh tốt nên năng suất đạt khá cao, chỉ riêng cây cà phê đã cho năng suất 5 - 6 tấn cà phê nhân/ha. Đặc biệt, gia đình tôi còn phát huy được nghề làm rượu cần truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê nên đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình còn có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên…
Già làng Đinh Mark, làng Krok Krét (Gia Lai): Phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân
Những năm qua, tôi luôn đi đầu trong công tác vận động đồng bào nghe và làm theo Đảng để có cuộc sống được no ấm, hạnh phúc. Người dân luôn tin tưởng vào Đảng và mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc ở các buôn làng có đời sống ngày càng đầy đủ và no ấm hơn.
Tôi mong muốn thời gian tới Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn nói chung và ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, tăng thêm nguồn vốn vay chính sách, hỗ trợ thêm giống, phân bón... đảm bảo những điều kiện cần thiết để dân làng phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.