Tại cuộc họp, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị các huyện chỉ đạo, tổ chức thu hoạch lúa vụ Hè Thu đảm bảo phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo xuống giống vụ Thu Đông, vận động người dân dành một phần diện tích sản xuất thêm rau, màu; nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ thu hoạch, thu mua, lưu ý đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ lực lượng tham gia tổ.
Các huyện tổ chức các điểm thu mua tập trung tại các “luồng xanh” kể cả đường bộ lẫn đường thủy; tổng hợp nhu cầu nông sản cung cấp cho các điểm cách ly tập trung trên địa bàn.
Các địa phương đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, không để vì nhu cầu thị trường mà sử dụng phương thức canh tác không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp các địa phương thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cập nhật sản lượng nông sản còn tồn.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc điều hành máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; căn cứ diễn biến thời tiết, thông tin, khuyến cáo kịp thời cho các địa phương; kết nối với các hợp tác xã tiêu thụ các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) còn tồn lại, tính toán nhu cầu tạm trữ nông sản của nông dân.
Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang tiếp tục cập nhật số liệu ngành nông nghiệp cung cấp để đưa lên các ứng dụng mua bán nông sản của tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kết nối các doanh nghiệp có kho lạnh phục vụ nhu cầu tạm trữ nông sản.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân phát triển các vùng trồng các loại rau màu ưu tiên giống ngắn ngày, tận dụng diện tích đất vườn còn trống, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây rau màu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ rà soát các tổ chức, cá nhân kết nối tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu trong tỉnh, đặc biệt cho các khu cách ly. Đồng thời, cung ứng hàng hóa lên các địa phương có nhu cầu tiêu thụ và cho TP Hồ Chí Minh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu được giao, rà soát tình hình sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, dự kiến khả năng sản xuất nông sản trong tháng 8 là trên 262 nghìn tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh là gần 21 nghìn tấn nông sản các loại.
Tình đến ngày 28/7, sản lượng nông sản tồn đọng do không có thương lái thu mua, hoặc thu mua cầm chừng với số lượng ít là trên 2.700 tấn; trong đó, rau màu các loại ghi nhận tồn đọng 75,6 tấn, chủ yếu tồn đọng thêm 30 tấn dưa lê ở thị xã Long Mỹ; trái cây tồn đọng 470,7 tấn; sản phẩm thủy sản tồn đọng 2.060 tấn; sản phẩm chăn nuôi tồn đọng 94,5 tấn.
Trong ngày 28/7, các đơn vị ghi nhận 109 tấn nông sản tồn đọng đã được thương lái thu mua. Hiện mỗi ngày, các địa phương trong tỉnh có khả năng cung cấp khoảng 178 tấn nông sản các loại và một số hợp tác xã vẫn tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân.