Tính đến cuối tháng 8/2023, hai huyện ven biển tỉnh Tiền Giang gồm Gò Công Đông, Tân Phú Đông đã trồng trên 13.500 ha rau màu ngắn ngày, với gần 40 chủng loại gồm rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả… Nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng gần 221.000 tấn rau màu thương phẩm cung ứng cho thị trường trong ngoài tỉnh, tăng hơn 40.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm nhẹ thiên tai vừa phát triển nông nghiệp một cách bền vững, các xã ven biển như Tân Thành, Tân Điền… đang chú trọng phát triển cây màu ngắn ngày theo cơ cấu luân canh lúa và màu hoặc chuyên canh màu trên đất giồng cát ven biển.
Hiện hành tím Tân Điền, dưa hấu Đèn Đỏ (Tân Thành) của huyện Gò Công Đông đã trở thành sản phẩm hương hiệu của địa phương trên thị trường nhờ chất lượng ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hay như tại Tân Phú Đông, địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ trên đất nhiễm mặn sang trồng chuyên canh sả, vừa là một loại cây màu vừa là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, địa phương đã hình thành vùng trồng sả chuyên canh gần 3.400 ha. Đến cuối tháng 8/2023, nông dân đã thu hoạch được trên 1.400 ha, đạt sản lượng sả thương phẩm gần 23.000 tấn. Năm 2023, địa phương có kế hoạch trổng 3.700 ha sả, sản lượng trên 60.000 tấn sản phẩm, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, tổ chức lại sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương.
Nhằm nâng cao giá trị cây rau thích ứng biến đổi khí hậu, các địa phương quan tâm tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân, hình thành mạng lưới các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh rau màu, phát huy vai trò tích cực trong mở rộng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn VietGAP cũng như liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, người dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Ngoài ra, người dân các vùng chuyên canh rau màu áp dụng rộng rãi việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu tưới tiêu nhằm đáp ứng nguồn nông sản sạch, an toàn cho thị trường.
Thời gian qua, huyện Tân Phú Đông đã thành lập được một hợp tác xã chuyên canh sả, 3 tổ hợp tác trồng sả ở các xã trọng điểm là Phú Thạnh và Phú Đông cùng với hàng trăm cơ sở thu mua sả lớn nhỏ đảm nhận thu mua sả thương phẩm đưa đi tiêu thụ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Mạng lưới hợp tác xã và tổ hợp tác trên lĩnh vực trồng sả còn tích cực cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân vùng chuyên canh.
Đơn cử, Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị, Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông… đều ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ cung cấp rau an toàn cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hành kinh doanh nông sản sạch trong ngoài tỉnh. Nhờ vậy, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế từ trồng rau màu cũng đã nâng lên, giúp thu nhập của nông dân các vùng rau màu chuyên canh tăng, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị Võ Công Thành cho biết, nhằm giải quyết đầu ra cho rau màu hàng hóa, Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị liên kết với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, hệ thống siêu thị BigC, các bếp ăn tập thể… cung ứng bình quân 3 - 5 tấn rau an toàn/ngày. Trung bình mỗi ha rau an toàn đạt năng suất 25 tấn/ha/vụ, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ; hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa độc canh một vụ trước đây.
Qua khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, lợi nhuận từ trồng rau màu bình quân đạt trong khoảng 47,4 - 290 triệu đồng/ha/vụ tùy theo loại màu, cao hơn từ 2,2 - 13,3 lần so với lợi nhuận từ trồng lúa độc canh trước đây.