Trong 20 năm qua, công tác kết nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân buôn kết nghĩa. Đây là cách làm hay gắn kết và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cách làm hay
Buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar hiện có 560 hộ dân, hơn 2.780 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 98% dân số. Cách đây 20 năm, đời sống nhân dân trong buôn gặp nhiều khó khăn, hệ thống chính trị yếu, an ninh nông thôn diễn biến phức tạp, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân hạn chế. Sau khi được Tỉnh ủy phân công, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Công ty Cổ phần Văn hóa Đắk Lắk về kết nghĩa với buôn Ea Mấp. Hai đơn vị vừa khảo sát thực trạng tình hình, vừa cử cán bộ xuống buôn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, vận động người dân chăm lo làm kinh tế, đồng thời triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực.
Bí thư Chi bộ buôn Ea Mấp Y Tha Mlô cho biết, khi có hai đơn vị kết nghĩa với buôn, hệ thống chính trị ở buôn được hình thành, có chi ủy, chi bộ. Hai đơn vị tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân; hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa và trao tặng 18 con bò sinh sản cho hộ nghèo; vận động bê tông hóa 2km đường giao thông nông thôn; thăm, tặng quà dịp Lễ, Tết và tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi. Qua quá trình 20 năm gắn bó, hai đơn vị kết nghĩa đã giúp buôn cải thiện đời sống kinh tế, con em trong độ tuổi đi học được đến trường, người dân nhận thức và thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn tại buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, so với những năm trước, đời sống của nhân dân đã không ngừng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Đồng hành với những đổi thay của buôn có sự đóng góp của đơn vị kết nghĩa là Lữ đoàn đặc công Bộ 198. Ngoài việc hỗ trợ 3 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, những năm qua, Lữ đoàn đặc công Bộ 198 còn cử cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân làm đường giao thông, tổng dọn vệ sinh môi trường, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, buôn Ea Kmăt còn 6 hộ nghèo (trong tổng số 320 hộ).
Trước đây, gia đình bà H Blon Êban (buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông) canh tác nông nghiệp, nhưng đất đai ít, thu nhập bấp bênh, hay đau ốm, đời sống khó khăn. Năm 2019, gia đình bà được Lữ đoàn đặc công Bộ 198 hỗ trợ 30 triệu đồng và ngày công để xây dựng nhà đại đoàn kết. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định, sức khỏe cải thiện, hai vợ chồng động viên nhau nỗ lực làm ăn. Không những thế, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đặc công Bộ 198 còn thường xuyên xuống trò chuyện, thăm hỏi, hỗ trợ phát quang bụi rậm, sản xuất nông nghiệp, nhờ đó, để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân trong buôn.
Bên cạnh hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh với buôn làng, những năm qua, công tác kết nghĩa đã được mở rộng, lan tỏa đến các thành phần kinh tế tư nhân, bệnh viện, trường học, hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội… Đặc biệt, nhiều thôn, tổ dân phố, chi hội đoàn thể người Kinh đã tổ chức kết nghĩa với các thôn, buôn, tổ dân phố, chi hội đoàn thể có đông đồng bào dân tộc thiểu số; gia đình người Kinh kết nghĩa với hộ dân tộc thiểu số.
Chủ trương lớn hợp lòng dân
Giai đoạn 2004 - 2010, công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những kết quả nhất định, an ninh nông thôn cơ bản được đảm bảo, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được tăng cường, hơn 81,4% buôn có chi bộ, hơn 99,8% buôn có đảng viên. Sau năm 2015, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới về nội dung, cách làm trong tổ chức các hoạt động kết nghĩa để phù hợp hơn với thực tiễn.
Ngày 26/9/2018, Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Chỉ thị 29-CT/TU về việc “Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số”. Đến nay, toàn tỉnh có 1.780 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với 556 buôn đồng bào dân tộc thiểu số; 1.323 hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với hộ dân tộc thiểu số…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh cho biết, toàn huyện hiện có 124 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học kết nghĩa với 71 buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 16 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 10 buôn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế tại buôn kết nghĩa.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác kết nghĩa tại tỉnh Đắk Lắk còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Công tác kết nghĩa ở một số địa phương chưa tập trung sâu vào xây dựng các mô hình giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế; việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển sản xuất chưa được chú trọng...
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk Nghiêm Văn Chuẩn cho biết, thông qua công tác kết nghĩa giúp cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh gần gũi, sâu sát hơn với đời sống, sinh hoạt của nhân dân, trải nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng ở cơ sở, từ đó nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về công tác kết nghĩa; xem đây là một nhiệm vụ chính trị, thường xuyên và lâu dài.
Hành trình 20 năm kết nghĩa với buôn làng đã góp phần gắn kết, củng cố và tô thắm tình đoàn kết. Qua 20 năm thực hiện, công tác kết nghĩa được khẳng định là cách làm hay, hiệu quả, hợp lòng dân, tạo ý thức thi đua lao động sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc và góp phần xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp.