Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân sản xuất sầu riêng, doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nông nghiệp.
Thông tin tại hội nghị, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển cho biết, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 là 22.458 ha, tăng 7.550 ha so với năm 2021; sản lượng đạt 187.986 tấn, tăng 50.342 tấn so với năm 2021. Một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn như huyện Krông Năng, Krông Pắk, Cư M’gar, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ...
Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân. Vì vậy, diện tích và sản lượng sầu riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, không chỉ phát triển diện tích trồng thuần mà còn được trồng xen trong vườn cà phê, bước đầu đã hình thành một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vừa là niềm vui lớn, vừa là thời cơ, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với các cấp, ngành, doanh nghiệp, nông dân bởi muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…
Tỉnh hiện có 49 mã số vùng trồng cây sầu riêng với diện tích 1.819 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hắc Hiển nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 ổn định diện tích sầu riêng trên 22.000 ha, sản lượng trên 225.000 tấn; mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh sử dụng các giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ; xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, nhân giống sầu riêng phục vụ sản xuất; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh: tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các nội dung như tình hình sản xuất, tiêu thụ và kế hoạch phát triển sầu riêng trên địa bàn tỉnh; tình hình sản xuất, thu mua, tiêu thụ sầu riêng niên vụ 2023 tại các tỉnh phía Nam, bài học kinh nghiệm cho tỉnh Đắk Lắk; chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh nghiệm quản lý, vận hành hoạt động hợp tác xã, những khó khăn và đề xuất; kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh sầu riêng của một số nước.
Cùng với đó, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk thông báo kế hoạch tổ chức hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ hội viên Hiệp hội kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho rằng, mỗi nông dân, doanh nghiệp cần có trách nhiệm vào trái sầu riêng khi đưa ra thị trường. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần tiên phong trong quản lý chất lượng, xây dựng kênh thông tin phản hồi chất lượng cho khách hàng.
Đặc biệt, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cần kiến nghị các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại tỉnh và cần thay đổi tư duy cho người nông dân để sản xuất theo hướng bền vững, xây dựng niềm tin để cùng nhau đi nhanh, tạo lập giá trị lâu dài cho nông sản.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội đang đề xuất UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trạm kiểm dịch thực vật tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc.
Hội nghị nhằm tiếp thu ý kiến, thảo luận tạo định hướng cho ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk phát triển. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, kết nối, tạo tiếng nói chung cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sầu riêng.
Dịp này, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp: Viện phát triển kinh tế nông nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ phần mềm Autoagri; ra mắt Cổng thông tin Hiephoisauriengdaklak.org.vn.