Trên mặt hồ, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá, thuyền chở du khách đi khám phá vùng lòng hồ, nơi trước đây là thượng nguồn của con sông Đà hung dữ. Dù phong cảnh đẹp nhưng nghề du lịch ở đây vẫn đang phát triển tự phát, chưa có một đơn vị chuyên nghiệp nào đứng ra tổ chức nên chưa đánh thức được tiềm năng của vùng đất sơn thủy hữu tình này.
Một góc hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN |
Thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước từ năm 2012, lòng hồ thủy điện kéo dài trên 170 km, thuộc địa phận 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Diện tích lòng hồ rộng trên 200 km2, có chỗ rộng tới 5 km, vào mùa nước nổi những hòn đảo nhỏ tự nhiên hiện ra giữa hồ, các hang động được tạo hóa hàng triệu năm, nằm giữa những đỉnh núi cao hàng trăm mét, mùa nước lên tạo thành những cảnh đẹp mà không đâu có được. Nhiều du khách sau khi tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La đã ví đây như “Hạ Long thứ 2” của Việt Nam.
Một ngày đầu năm mới 2017, chúng tôi xuất phát từ bến thuyền thị xã Mường Lay, bắt đầu hành trình khám phá lòng hồ thủy điện Sơn La. Con thuyền tam bản gắn máy đưa đoàn khách ra ngã ba sông, nơi hợp lại của 3 dòng nước. Nước sông Đà đỏ ngầu phù sa khi lũ về, dòng Nậm Na vàng sẫm nhờ nhờ đục pha lẫn với con suối Nậm Lay trong vắt, hợp lại trên một vùng nước rộng lớn. Khu vực này trước kia có một vẻ đẹp hùng vĩ với những dãy núi thấp như một con rồng nằm nghỉ, dòng chảy uốn lượn tạo thành chữ “Tâm”.
Cả đoàn thuyền đang xuôi về hướng Đông Nam, song không ai có thể cảm nhận là đi xuôi hay ngược bởi mặt nước đã im phăng phắc, sóng nhẹ lăn tăn mặt nước khi có cơn gió hút qua. Nhớ đoạn sông này khi xưa nổi tiếng chảy xiết, dù có tắt máy thả trôi mà thuyền vẫn lao như tên bắn, những mòm đá ngầm bất ngờ nổi lên, đánh đắm nhiều con thuyền không thông thạo luồng lạch.
Lòng hồ thủy điện Sơn La bắt đầu từ thị xã Mường Lay, kéo dài đến xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Du khách tham quan lòng hồ có thể ngắm cảnh thiên nhiên, hang động hay đến tham quan các bản của đồng bào dân tộc dọc theo dòng Đà Giang hoặc tham quan các điểm di tích lịch sử như khu dinh thự “vua Thái” Đèo Văn Long, Bia Lê Lợi...
Từ thượng nguồn sông Đà, xuôi về hạ lưu, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là Khu di tích bia Lê Lợi được đặt tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi đây vẫn còn bút tích của vị vua khai sinh nhà Lê, năm 1432 sau khi đi dẹp loạn vùng biên viễn Tây Bắc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách núi bài thơ nhằm răn đe những kẻ phản loạn nơi phên dậu Tổ quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt thời bấy giờ. Xuôi theo dòng vài km là điểm dinh thự “vua Thái” Đèo Văn Long, bây giờ toàn bộ khu di tích đã nằm dưới lòng hồ thủy điện, chỉ còn nhấp nhô những thành, vách, nhà cổ.
Càng xuôi dòng, vẻ đẹp hùng vĩ của lòng hồ thủy điện Sơn La càng cuốn hút khách du lịch ưa khám phá. Từ đây du khách bắt đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà mọi người đặt cho “Hạ Long giữa trời Tây Bắc”. Những hang động được tạo hóa qua hàng triệu năm, trước kia nằm cao chót vót trên các đỉnh núi. Trước kia khi qua lại trên sông Đà, nhiều người vẫn ngửa cổ "hết cỡ" để ngắm nhìn đàn chim én làm tổ treo ngược dưới trần hang. Giờ đây vẫn vách hang đó nhưng nếu thuyền bơi gần bờ thì người ngồi trên có thể chạm tay vào trần hang.
Đi thuyền nhỏ, du khách có thể chèo thuyền bằng tay để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ với những nhũ đá được tạo hóa qua hàng nghìn năm. Mặt hồ sóng sánh ánh hoàng hôn êm đềm như một dải lụa vắt ngang núi rừng hùng vĩ Tây Bắc. Đi dọc lòng hồ, những bản làng người dân tộc sinh sống ven sông đã hy sinh đất sản xuất, nơi ở cũ vì dòng điện của Tổ quốc. Người dân giờ đã biết chuyển đổi ngành nghề, thay vì gieo cấy lúa nước, họ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ và làm dịch vụ cho khách du lịch tham quan.
Dọc theo lòng hồ có đến hàng nghìn lồng, bè cá của đồng bào các dân tộc. Đêm đến ánh điện từ những lồng cá càng tô đẹp thêm cho mặt hồ. Buổi sáng sớm tinh mơ, khi những giọt sương còn chưa tan hết, ánh bình mình vừa ló rạng thì cũng báo hiệu thành quả của ngư dân sau một đêm lao động, đánh bắt cá tôm. Thuyền cập bến, không biết từ bao giờ dọc lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành các chợ buôn bán tôm, cá.
Càng đi xuống hạ lưu, diện tích lòng hồ càng mở rộng. Đẹp nhất có lẽ phải kể đến khu vực cầu Pá Uôn, ở trung tâm huyện Quỳnh Nhai (cũ) tỉnh Sơn La, với những dãy núi đá xen vào nhau như bức tường thành, những hòn đảo nhấp nhô soi bóng xuống mặt hồ xanh biếc, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy quyến rũ. Giữa lòng hồ, nơi tiếp giáp ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là Huổi Só, những ngọn núi đá vôi cao sừng sững mở ra một vùng nước non hùng vĩ, đẹp đến lạ lùng... Từ khi lòng hồ dâng nước, người dân trong vùng đã khám phá rất nhiều hang động mà từ trước đến giờ chưa ai đặt chân đến.
Tại ngã ba sông Đà với sông Nậm Mức, địa danh này vẫn được những lái thuyền kỳ cựu đặt tên là thác 3 chồng. Theo ông Lò Văn Đạt, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, người lái thuyền đưa chúng tôi đi tham quan kể lại. Khu vực này trước đây là nơi hợp nhất 2 dòng Đà Giang với Nậm Mức, nước chảy xiết quanh năm, thác ghềnh toàn đá ngầm. Lái thuyền không quen dễ bị lật thuyền vì con nước chảy không theo quy luật. Nhưng bây giờ nước dâng lên, thuyền nhẹ lướt băng băng trên mặt hồ. Cũng theo ông Đạt, ông đã chở rất nhiều đoàn khách đến tham quan khu vực lòng hồ, ai cũng phải thốt lên trước vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của sông nước Đà Giang.
Đẹp và nên thơ đến vậy nhưng tuyến du lịch này mới đang được tổ chức ở hình thức tự phát. Cả khu vực thị xã Mường Lay mới chỉ có 11 hộ với hơn 10 thuyền chở khách tham quan. Ông Quàng Văn Ổn, bản Chi Luông (phường Na Lay) là một trong những người đầu tiên làm dịch vụ này cho biết: Những hộ làm dịch vụ chỉ nhận chở khách khi có người liên hệ đặt trước. Đi trên tuyến này, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và hùng vĩ ở nơi đã từng là lòng con sông Đà hung dữ; được thưởng thức các món ăn dân tộc trên những nhà hàng nổi do người dân bản địa tổ chức ở khu vực Nậm Mạ. Tuy nhiên, do ít người biết nên tuyến này không có mấy đoàn đăng ký.
Dù mới phát triển tự phát, manh mún, nhưng nghề du lịch sông nước ở thị xã Mường Lay cũng đem lại thu nhập đáng kể cho cư dân vùng này. Những nhà có 2 thuyền chở khách, mỗi năm thu về khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Những nhà có 1 thuyền, cũng thu được 70- 80 triệu đồng mỗi năm, đủ để trang trải cuộc sống, sau khi ruộng vườn của họ đã nằm dưới đáy hồ, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.
Lòng hồ thủy điện Sơn La đã tích nước hơn 4 năm. Công trình thủy điện Lai Châu mới khánh thành và đã dâng nước lên là cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” trên thị xã Mường Lay phát triển. Bởi vậy, những người làm dịch vụ du lịch vùng lòng hồ của thị xã Mường Lay mong muốn các nhà đầu tư hoặc nhà nước đứng ra tổ chức một Hợp tác xã kinh doanh du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo thành một tour du lịch cố định. Có như vậy mới tạo điều kiện quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút du khách, tạo việc làm thường xuyên cho cư dân địa phương.