Đe dọa sản xuất
Từ đầu năm đến nay, độ mặn ở các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng cao và lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối, đe dọa gây thiệt hại nặng cho diện tích lúa đông xuân đang gieo trồng. Hiện nước mặn tại sông Tiền và sông Hậu đã lấn sâu vào các tuyến kênh thủy lợi đầu mối hơn 60 km, độ mặn tại các cửa cống như: Cái Hóp, Rạch Rum, Cần Chông, Láng Thé, Tân Dinh... độ mặn đã lên đến từ 5,9 - 7,8‰.
Ông Bùi Văn Tuấn, ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên bên trà lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
Tại huyện Trà Cú, theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, trong hơn 11.700 ha lúa đông xuân của huyện đã có 6.400 ha đang bị khô hạn do điều kiện đất gò cao không thể tiếp nước ngọt từ kênh thủy nội đồng bị cạn kiệt. Còn tại huyện Cầu Ngang đã có trên 2.500/5.200 ha lúa đông xuân đang chờ nước. Do địa bàn huyện nằm cuối nguồn sông Hậu, các cống đầu mối Rạch Rum, Cần Chông buộc phải đóng cửa vì nước mặn nên tình hình tiếp nước ngọt về các kênh nội đồng để bơm tát cứu lúa đông xuân rất khó khăn.
Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện lúa đông xuân đang bị nhiễm bệnh và mặn xâm nhập gần 10.000 ha. Trong đó có hơn 6.870 ha lúa nhiễm rầy cần phòng trừ. Thêm vào đó, nguồn nước ngọt từ sông Hậu về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp giảm mạnh nên khả năng thiếu nước cuối vụ là rất lớn.
Về sản xuất nông nghiệp ở vùng bắc quốc lộ 1A, việc điều tiết nguồn nước mặn, ngọt phục vụ sản xuất, dự báo sẽ rất căng thẳng. Trong bối cảnh mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, mực nước trên trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đang hạ thấp nên nước mặn từ Bạc Liêu sẽ xâm nhập lên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào khoảng cuối tháng 3/2016. Nếu hạn chế điều tiết nước mặn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước mặn cho 67.000 ha nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là khu vực thị xã Giá Rai. Còn nếu điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm thì tiểu vùng chuyển đổi sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập sâu vượt Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Từ đó, xâm nhập vào vùng sản xuất lúa đông xuân của Sóc Trăng và 46.500 ha lúa của Bạc Liêu. Mặt khác, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng gần 9.000 ha lúa đông xuân ở tam giác Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu vào cuối tháng 2/2016.
Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang hiện đang gieo trồng gần 80.000 ha lúa đông xuân và khoảng 30.000 ha vườn cây ăn trái đang cho quả. Đến nay, bà con mới thu hoạch được 5.000 ha lúa đông xuân, số còn lại đang trong giai đoạn trỗ, chín nên rất cần nước ngọt để tưới tiêu. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn diễn ra bất thường và phức tạp. Đặc biệt trong ngày 7 - 8/2, độ mặn đo được trên các sông lên đến hơn 12‰, đe dọa nghiêm trọng đến diện tích lúa, vườn cây ăn trái. “Năm nay, tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn một tháng so với các năm trước và có khả năng xâm lấn sâu vào nội đồng, nhất là vào cao điểm vào tháng 3 - 4/2016. Nước mặn không chỉ lấn sâu theo hướng Biển Tây từ phía tỉnh Kiên Giang mà còn từ Biển Đông theo phía tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Phần lớn diện tích sản xuất lúa, vườn cây ăn trái của tỉnh đang bị nước mặn bao vây. Một số địa phương đầu nguồn cửa sông, cửa biển sẽ xảy ra thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp khoan giếng nước ngầm ngay từ bây giờ sẽ có hàng nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng trong mùa khô năm nay”, ông Đồng nói.
Dồn sức bảo vệ
Theo Cục Trồng trọt, năm 2016 dự kiến diện tích gieo trồng lúa toàn vùng đạt trên 4,6 triệu ha, trong đó diện tích sản xuất vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 dự kiến là 1,640 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 7 tấn/ha.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234 ha, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 21,9% diện tích lúa đông xuân 2015 - 2016 toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, diện tích đã bị ảnh hưởng nặng là 104.000 ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015 - 2016 toàn vùng. Đến nay, ĐBSCL mới chỉ thu hoạch được khoảng 300.000 ha, còn 1,3 triệu ha. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới diện tích sản xuất các vụ tiếp theo.
Để đối phó với tình hình nhiễm mặn và khô hạn trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu sở nông nghiệp các tỉnh, thành tập trung rà soát tổng hợp nguồn nước, xây dựng kế hoạch và phương án điều tiết, sử dụng hợp lý nguồn nước, bố trí thời vụ xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tiết kiệm nước và kiến nghị các viện, trường nhanh chóng lai tạo ra những giống lúa có khả năng chịu mặn từ 4‰ trở lên để sản xuất ở các khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn.
Ngay từ cuối năm 2015, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016. Theo đó, các địa phương đang vận hành đóng - mở cửa cống thủy lợi, theo dõi độ mặn nước để ngăn mặn, trữ ngọt nhằm đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân và các loại nuôi trồng khác. Đồng thời các địa phương đã và đang tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Rút ngắn lịch thời vụ bằng cách sử dụng giống lúa ngắn ngày và áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm. Ngoài ra còn khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ “né hạn, mặn”; chuyển diện tích sản xuất ở những địa bàn khó khăn sang trồng các cây trồng tiết kiệm nước như rau màu,...
Để khắc phục tình trạng này, đối với vùng ven biển, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ tích cực bồi trúc, gia cố đê biển. Mặt khác, hướng dẫn người dân bên trong đê tổ chức sản xuất những loại cây, con có khả năng thích ứng với đất nhiễm mặn. Đối với nội địa, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân không nên tự phát đưa nước mặn vào đất sản xuất lúa.
Theo ông Lê Phước Dũng, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, ngành đang chỉ đạo phòng NN&PTNT các huyện kết hợp cùng các địa phương nạo vét nhanh các tuyến kênh cấp 3 để nâng cao mực nước trên kênh. Đối với các vùng sâu, gò cao, thực hiện phương án đắp ngăn dòng kênh nội đồng theo từng cánh đồng, sau đó bơm nước từ các kênh cấp II vào kênh nội đồng rồi bơm chuyền lên đồng cứu lúa.
Về lâu dài, để đảm bảo phát triển ngành nông nghiệp bền vững trước tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng hợp tác, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Các giải pháp đột phá trong sản xuất là ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đồng thời tổ chức hiệu quả liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu, tiếp tục cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo, chuyển đổi cây trồng.