ĐBSCL xây dựng vùng nguyên liệu nông sản:

“Khát” nguyên liệu chế biến

Tháo gỡ khó khăn để tạo ra vùng nguyên liệu nông sản bền vững là đòi hỏi cấp bách của ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu và sự hội nhập ngày càng sâu với thị trường thế giới.

Từ câu chuyện hạn, mặn

Chưa năm nào các doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau rơi vào tình trạng “đói” tôm nguyên liệu như năm nay. Theo nhận định của ngành chuyên môn, nắng hạn kéo dài, độ mặn trong nước tăng cao từ 30-40%o đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của tôm. Vì thế, diện tích và sản lượng tôm nguyên liệu cũng giảm làm cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu hoạt động cầm chừng. Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Theo thống kê, địa phương có 9.700 ha diện tích nhưng nông dân chỉ thả nuôi được 3.000 ha. Ðây chính là lý do làm cho lượng tôm nguyên liệu cung cấp ra thị trường ngày càng trở nên khan hiếm, giá tăng cao.

Thu hoạch tôm ở khu nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN

Sản lượng tôm tiếp tục giảm mạnh ở các huyện: Cái Nước, Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau, khiến giá tôm dù ngày một tăng nhưng người dân không có tôm để bán. Hiện tôm sú cỡ 20 con/kg có giá từ 250.000 - 260.000 đồng/kg; tôm cỡ 30 con/kg từ 175.000 đồng/kg tăng lên 190.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng cũng tăng giá đột biến, tôm cỡ 100 con/kg từ 93.000 đồng/kg lên 105.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg từ 115.000 đồng/kg lên 158.000 đồng/kg...

Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: Mặc dù giá tôm tăng, nhưng diện tích thả tôm nuôi trên địa bàn huyện lại giảm. Từ đầu năm đến nay, nông dân mới xuống giống thả nuôi được 750 ha. Ðộ mặn cao, nguồn nước phục vụ sản xuất cạn kiệt, con tôm không thể phát triển được nên nông dân còn e ngại không dám xuống giống thả nuôi. Riêng tại huyện Đầm Dơi, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đến nay, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, trên 1.600 ha tôm quảng canh và trên 50 ha tôm công nghiệp của địa phương đã bị thiệt hại.

Thiệt hại sản xuất nông nghiệp, thủy sản là một trong những tác nhân làm giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế quí I/2016 của cả nước. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 ước đạt 5,46%, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 6,12%. Theo đó, toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong quý I/2016 tăng trưởng âm (-1,23%) làm giảm 0,16 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy sự giảm sút tăng trưởng của toàn ngành có sự chi phối từ tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh ĐBSCL - khu vực động lực tăng trưởng lớn nhất đối với ngành nông nghiệp cả nước.

Tăng trưởng âm đối với ngành nông nghiệp đã gây hậu quả “kép”. Một mặt, làm cho chính ngành nông, lâm, thủy sản bị giảm sút, mặt khác gây ảnh hưởng xấu cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa chế biến nông sản và giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ nông sản, vốn chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu nội địa của Việt Nam.

Bài toán nan giải

Thực tế không chỉ từ tình hình hạn, mặn mới dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến mà từ bấy lâu nay, với cách tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản của nước ta luôn phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu sản xuất.
Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu như các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chưa thực sự tạo lập được toàn bộ quy trình khép kín cung ứng nguồn nguyên liệu nên tình trạng thiếu hụt, không đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu luôn là bài toán nan giải. Do đó, doanh nghiệp chế biến phải chấp nhận nhập khẩu tôm nguyên liệu với giá thành cao hơn và gặp vô vàn rủi ro, tỷ giá ngoại tệ lên xuống thất thường, nguyên liệu không đủ sản xuất, chất lượng hàng hóa nông sản không đảm bảo…

Ông Ngô Thành Lĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết: “Năm nay tình hình hạn, mặn đã gây tình trạng thiếu tôm nguyên liệu xảy ra rất sớm. Hiện lượng tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 42% công suất thiết kế của các nhà máy chế biến”.

Thực tế vẫn có những doanh nghiệp chế biến đủ tiềm lực, để tự chủ động nguồn nguyên liệu với quy trình nuôi trồng, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất con giống sạch bệnh đến khâu nuôi, sản xuất thành phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản. Trong lĩnh vực lúa gạo, cũng có những doanh nghiệp đã liên kết thành công với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo chế biến các loại sản phẩm nông sản.

Thế nhưng những doanh nghiệp nói trên rất ít và đứng trước bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hàng nông sản Việt Nam càng phải đối mặt với các vấn đề như rào cản kỹ thuật trong thương mại gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhiều chuyên gia cho rằng sản phẩm nông sản của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng sẽ khó cạnh tranh lại với sản phẩm nước ngoài, khi đa số doanh nghiệp chế biến nông sản là doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ chế biến nông sản còn lạc hậu.

Chính vì vậy các doanh nghiệp này bên cạnh việc khó chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu, còn không đủ năng lực để đầu tư đổi mới công nghệ nên các sản phẩm nông sản chủ yếu là chế biến thô, đơn giản, sản phẩm chất lượng thấp chiếm tỷ trọng lớn. Chưa có nhiều sản phẩm theo hướng chế biến tinh, chế biến sâu, chưa tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Trong khi đó, tốc độ xuất khẩu có sự chậm lại và khó khăn hơn do việc chỉ xuất thô hay sơ chế. Có giai đoạn như vào năm 2012 và 2013, gạo Việt Nam chiếm đến 65% số lượng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng sang năm 2014 đã giảm còn 53% và chỉ còn khoảng 50% vào năm 2015, tức đạt hơn 4 triệu tấn trên tổng lượng xuất khẩu là 8,3 triệu tấn khi có những đối thủ cạnh tranh khác tham gia. Dự báo trong năm 2016, lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng tương đương so với năm 2015 và tổng lượng gạo được bán sang Trung Quốc cũng sẽ chiếm khoảng 50%.

Rõ ràng những vấn đề trên đã cho thấy sự bức thiết trong việc phải lập ra được quy trình cung ứng nguyên liệu, tạo thành một chuỗi sản xuất từ khâu nuôi trồng đến sản xuất. Mặc dù từ năm 2013, Chính phủ đã có chính sách nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, tuy nhiên qua thời gian triển khai, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn lỏng lẻo và điều này đòi hỏi Chính phủ, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần có thêm những giải pháp mới, hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh của biến đổi khí hậu.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay đã có hơn 81.400 ha diện tích nuôi tôm nước lợ ở 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp chế biến thủy sản đang lo lắng, nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hàng hóa nông sản khác… ở ĐBSCL cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất. Tính đến cuối tháng 4, toàn vùng ĐBSCL đã có đến khoảng 230.586 ha diện tích cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Trong đó có 208.000 ha lúa bị thiệt hại với 60% bị thiệt hại nặng và nhiều vùng bị mất trắng.




Anh Đức - Duy Khương - Thu Hiền
Tái cơ cấu để đối phó biến đổi khí hậu
Tái cơ cấu để đối phó biến đổi khí hậu

Những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đặt ra nhiệm vụ phải tăng tốc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiệm vụ này không chỉ để giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà còn giải bài toán thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN