Khôi phục, bảo vệ vốn rừng Tây Nguyên hiện có

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Thông báo số 191/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, sau 1 năm triển khai, các tỉnh Tây nguyên đã quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với quyết tâm khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có.

Các tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng không tham mưu, đề xuất, xem xét đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Không cấp phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên đã có quyết định chuyển đổi nhưng chưa thực hiện khai thác tận dụng. Đồng thời, không giao chỉ tiêu khai thác rừng theo phương án quản lý rừng bền vững.

Cây gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng thuộc quản lý của trạm Đắk Mol. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp đã được các tỉnh chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc.

Các địa phương đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, nhất là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su. Hiện có 565 dự án, với diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp 214.153 ha. Riêng các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su có 220 dự án với 114.729 ha; trong đó, đất rừng tự nhiên nghèo kiệt trên 93.000 ha.

Qua rà soát, đánh giá, các địa phương đã thu hồi toàn bộ hoặc một phần dự án đối với các dự án triển khai chậm tiến bộ; không thực hiện dự án để rừng bị phá, bị lấn chiến, sang nhượng trái phép… và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp 5 tỉnh Tây Nguyên có gần 3.321.000 ha; trong đó diện tích có rừng chiếm 76,21%, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm 23,79%. Độ che phủ rừng đạt 46,01%, giảm 0,07% so với năm 2015.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Năm 2016, số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng giảm 8% so với năm 2015. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm lại tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Lý giải số vụ vi phạm nói chung, số vụ phá rừng và diện tích rừng bị thiệt hại tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số vụ phá rừng xảy ra cuối năm 2016 nhưng đầu năm 2017 mới thông kê, đặc biệt một số vụ vi phạm được thống kê ở các công ty lâm nghiệp đang trong quá trình rà soát, sắp xếp, đổi mới.

Các tỉnh đã thành lập các tổ công tác để xử lý diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm, khai thác gỗ trái phép, tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc các phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Về phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đến nay Đắk Nông và Đắk Lắk đã giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đến UBND cấp huyện xã và chủ rừng. Các tỉnh còn lại hiện mới xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.


Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, thời gian tới, các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Cùng với đó là rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên đã và đang thực hiện. Rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến gỗ, kiên quyết giải tỏa, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động những cơ sở chế biến không tuân thủ các quy định của pháp luật, cơ sở nằm ngoài quy hoạch, không có nguồn nguyên liệu hợp pháp ổn định.

Các vụ phá rừng phải được xử lý sớm, xử lý nghiêm và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đối tượng để xử lý các vụ phá rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Bích Hồng (TTXVN)
Độc đáo 'cây thần' và luật tục bảo vệ rừng của người Thái ở Điện Biên
Độc đáo 'cây thần' và luật tục bảo vệ rừng của người Thái ở Điện Biên

Từ nhiều năm nay, người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) đã truyền nhau thông tin tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tồn tại một cây Mạy Noọng to lớn, hiếm gặp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN