Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng rừng ở lưu vực sông Srepok, từ đó đề ra các giải pháp, khuyến nghị chính sách để tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có giải pháp hữu ích nhằm phục hồi, phát triển rừng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Lưu vực sông Srepok về phía Việt Nam có tổng diện tích tự nhiên là 15.300 km2, diện tích lưu vực phân bổ chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk (10.400 km2), còn lại tập trung ở tỉnh Đắk Nông (3.600 km2) và Lâm Đồng (1.300 km2).
Lưu vực sông Srepok có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên khi tài nguyên nước và đất đang đem lại lợi ích lớn cho khu vực này. Đặc biệt, rừng không chỉ có vai trò quan trọng phòng chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, hạn chế thiên tai mà đất và rừng còn là nguồn sinh kế đặc biệt của người dân lưu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, do vậy, cần có giải pháp khôi phục, bảo vệ nhằm khai thác lâu dài nguồn tài nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định, biến đổi khí hậu có tác động lớn làm suy kiệt nguồn tài nguyên đất và nước tại lưu vực sông Srepok, làm cho mùa khô trên lưu vực sông có xu hướng ngày càng dài và tải lượng bùn, cát tăng vào các tháng mùa mưa, khiến dòng chảy kiệt vào mùa khô và dòng lũ tăng vào mùa mưa. Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cần thiết phải khôi phục cảnh quan thảm phủ tại lưu vực sông Srepok, tăng diện tích rừng thường xanh, độ che phủ rừng nhằm giúp cân bằng hệ sinh thái.
Theo Tiến sĩ Cao Thị Lý, Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Tây Nguyên, để phục hồi cảnh quan rừng khu vực Tây Nguyên nói chung và lưu vực sông Srepok nói riêng cần khẩn trương rà soát quy hoạch lâm nghiệp, từ đó kiểm đếm những diện tích xâm canh, lấn chiếm trái phép để thực hiện giao lại rừng và đất lâm nghiệp gắn với trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng; từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp dựa vào pháp luật và những quy định hiện hành; kiểm soát tốt tình trạng di dân tự do và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sang nhượng đất rừng; có chính sách hưởng lợi thỏa đáng đối với các chủ thể quản lý rừng, đặc biệt đối với hộ dân, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng nhằm từng bước phục hồi và phát triển bền vững cảnh quan rừng.
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nam Thắng - Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho rằng: Để khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững lưu vực sông Srepok phải dùng công cụ luật pháp để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi xâm canh đất lâm nghiệp trái phép; rà soát và công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã sinh sống và canh tác ổn định lâu đời; giám sát và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, mở rộng thêm diện tích đất xâm lấn trái phép.Các địa phương có rừng trong lưu vực sông Srepok cần nhanh chóng có đánh giá tổng thể để xác định và phân cấp khu vực theo nhóm nguy cơ gồm: rất xung yếu, xung yếu, ít xung yếu để có thứ tự ưu tiên trong việc triển khai các tiến trình phục hồi rừng. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực cho việc bảo vệ, phục hồi các khu vực rất xung yếu và xung yếu, thay vì thực hiện đồng đều, dàn trải trên toàn bộ diện tích.
Đặc biệt, cần có nghiên cứu cụ thể về hiện trạng, sinh cảnh cấu trúc, nhóm loài cây để có phương pháp khôi phục phù hợp. Cụ thể, đối với khu vực đất canh tác nông nghiệp nghèo kiệt cần phục hồi bằng cách phát triển mô hình nông lâm kết hợp; đất rừng nghèo kiệt và bị suy thoái cần khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng dặm, làm giàu rừng từng bước nâng cấp rừng; cần nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực để xác định loài cây phù hợp, phương thức trồng, chăm sóc phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan như chính quyền địa phương, các đoàn thể, cộng đồng và hộ gia đình; tạo cơ chế, động lực cho sự tham gia và giám sát tiến trình khôi phục và phát triển rừng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: Từ nghiên cứu của các nhà khoa học trình bày tại hội thảo sẽ cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk có những quyết sách đúng đắn, giúp doanh nghiệp và người dân có chiến lược kinh doanh, sản xuất hiệu quả trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt giúp nâng ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường tự nhiên, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững rừng trong tương lai.