Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Ngành phối hợp với các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu 2021 trên toàn địa bàn, xác định những khu vực có nguy cơ ngập úng khi xuất hiện mưa lớn kéo dài để có biện pháp ứng cứu lúa kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại của nông dân.
Đơn vị chức năng kiểm tra, duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn ven biển bị hỏng hóc, đảm bảo việc vận hành phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đối với tàu cá khai thác trên ngư trường, các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra trang thiết bị bắt buộc, yêu cầu chủ phương tiện khắc phục, bổ sung những trang thiết bị còn thiếu, đảm bảo đầy đủ khi ra khơi. Các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động chủ tàu cá, thuyền trưởng thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang rà soát phương án phối hợp, huy động và điều động lực lượng, phương tiện của các ngành và địa phương tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Các Đồn, Trạm Biên phòng phối hợp với các địa phương, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát những điều kiện an toàn cần thiết của các tàu, thuyền trước khi rời bến, kiên quyết không cho xuất bến phương tiện không đảm bảo an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên biển để thông báo cho người dân và các chủ phương tiện tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, ứng phó khi thời tiết xấu, mưa bão xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn cho cán bộ chiến sĩ ở các đơn vị, phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống, ứng phó với thiên tai. Các đơn vị quân đội duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xấu xảy ra trên địa bàn.
Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết, kịp thời nắm bắt thông tin tình huống thiên tai có thể xảy ra để thông báo cho người dân biết phòng tránh và chủ động các biện pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, các địa phương kiểm tra, thực hiện tỉa cành, mé nhánh, chằng chống lại các cây bị nghiêng hoặc đốn hạ những cây có nguy cơ ngã đổ, các bảng quảng cáo không an toàn khu vực thành phố, trung tâm huyện, xã và các khu vực đông dân cư. Các địa phương vùng ven sông, ven biển kiểm tra các điểm, khu vực trước nguy cơ sạt lở và vận động di dời những hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền người dân trên địa bàn nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chằng chống nhà ở chắc chắn, trú ẩn an toàn khi mưa bão, dông, lốc, sét… xuất hiện.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét đã làm một người chết trên địa bàn huyện Giang Thành, 2 người bị thương ở huyện Hòn Đất; đổ sập 56 căn nhà, tốc mái 49 căn tại các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, thành phố Rạch Giá và Phú Quốc, ước giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 2,2 tỷ đồng.