Cô và trò Trường Tiểu học Đăk Koi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vui mừng khi có ngôi trường mới sạch đẹp, kiên cố. |
Nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu dạy và học cho học sinh, nhất là các đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai 74 dự án xây mới phòng học, các hạng mục phụ trợ và đầu tư trang thiết bị dạy và học tại các trường mầm non, tiểu học của 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo Quyết định 256/QĐ-UBND, dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ là 79 tỷ, còn lại là ngân sách huyện, thành phố.
Các dự án được triển khai chủ yếu tập trung ở các xã, huyện đặc biệt khó khăn, nơi điều kiện dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cụ thể, thành phố Kon Tum 2 dự án với kinh phí hơn 2,290 tỷ đồng; huyện Sa Thầy 6 dự án với kinh phí 13,1 tỷ đồng; huyện Đăk Tô 10 dự án với kinh phí 13,1 tỷ đồng; huyện Đăk Hà 5 dự án với kinh phí 7,3 tỷ đồng; huyện Kon Plông 11 dự án với kinh phí 10,3 tỷ đồng; huyện Đăk Glei 12 dự án với kinh phí 15,6 tỷ đồng; huyện nghèo 30A Tu Mơ Rông 8 dự án với kinh phí 13,5 tỷ đồng; huyện Kon Rẫy 4 dự án với kinh phí 6,8 tỷ đồng; huyện Ngọc Hồi 6 dự án với kinh phí 6,8 tỷ đồng và huyện mới Ia H'Drai 10 dự án với kinh phí được phê duyệt 11 tỷ đồng.
Với những sự đầu tư này, các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ từng bước được khắc phục. Các em học sinh nghèo, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được học tập trong những ngôi trường kiên cố, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, phòng học ghép, học nhờ nhà dân.
Đặc biệt, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ từng bước đưa ngành giáo dục ở tỉnh nghèo Kon Tum phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn.