Lai Châu giảm nghèo ở vùng 'lõi' biên giới Mường Tè

Mường Tè từ lâu được biết đến là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ hộ nghèo cao.

Thời gian qua, việc giảm nghèo luôn được huyện biên giới Mường Tè quan tâm nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói và giảm nghèo bền vững.

Lồng ghép hiệu quả

Chú thích ảnh
Hệ thống cơ sở hạ tầng tại huyện Mường Tè được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Mường Tè có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người là dân tộc Si La. Ngoài ra còn có các dân tộc đặc biệt khó khăn như: Cống, Mảng, La Hủ. Toàn huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trước thực trạng trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo.

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Mường Tè đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo; khuyến khích, động viên hộ nghèo tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, huyện tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Lai Châu để ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Cùng đó, huyện Mường Tè cũng quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với quy mô lớn. Các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời và đi vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người dân biên giới Mường Tè đã chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ cho năng suất cao. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Giai đoạn 2016-2020, huyện Mường Tè được phân bổ nguồn vốn gần 1 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó chương trình 30a hơn 293,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn chương trình 135.  Nguồn vốn này được huyện thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; trong đó chủ yếu hỗ trợ các giống cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè từng bước nâng cao ý thức, vươn lên thoát nghèo. Người dân đã chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách, nguồn hỗ trợ của Nhà nước; tích cực học hỏi  kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo để áp dụng vào mô hình kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển.

Khởi sắc vùng biên

Vốn là “lõi” nghèo ở khu vực Tây Bắc, những năm qua, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Mường Tè những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2016-2021, huyện Mường Tè giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54,63% năm 2016 xuống còn 24,09% vào cuối năm 2021 (theo tiêu chí cũ); thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Pa Ủ là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Toàn xã có 11 bản với 876 hộ dân là đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Với lối sống du canh du cư, ít tiếp xúc bên ngoài, nên trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, cùng với lối canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu mà cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 82%).

Để giúp bà con đẩy lùi đói nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Pa Ủ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “ổn cư, ổn canh”. Công việc đầu tiên là vận động bà con xuống núi sinh sống tập trung, rồi tuyên truyền, vận động bà con xóa đói giảm nghèo từ trong nhận thức. Khi bà con đồng thuận và quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn xuống từng bản xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Chú thích ảnh
Bà con nhân dân huyện biên giới Mường Tè từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cho hay: Nhằm giúp bà con thoát nghèo, UBND xã thường xuyên cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Cùng với đó, chủ động khai hoang đất sản xuất, cải tạo đất trồng cằn cỗi sang trồng loại cây phù hợp; tập trung phát triển chăn nuôi và bảo vệ, phát triển rừng.

Ngoài ra, chính quyền xã còn phối hợp với lực lượng biên phòng giúp người dân thay đổi tập quán canh tác cũ. Đến nay, huyện đã thực hiện gần chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi để hướng dẫn bà con. Các mô hình được thực hiện theo cách “cầm tay, chỉ việc” như trồng lúa nước 2 vụ, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, cá.

Đến nay, đời sống bà con Pa Ủ từng bước ổn định, có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 67% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới), thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm.

Bộ mặt nông thôn xã đã thay da đổi thịt với những ngôi nhà tạm bợ, dột nát trước kia đang dần thay thế bằng ngôi nhà kiên cố đảm bảo tiêu chí “3 cứng”. Ruộng nương xanh tốt, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện; trường học xây dựng khang trang. Nhưng thay đổi lớn nhất phải kể đến phần lớn người dân biết tạo dựng cơ nghiệp cho gia đình, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cách đây 5 năm, gia đình chị Ly Lỳ So, dân tộc La Hủ, ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của bản. Gia đình chị có  6 nhân khẩu, cuộc sống quanh năm rơi vào cảnh bữa đói, bữa no.

Chị Ly Lỳ So tâm sự, trước đây, thu nhập của gia đình mình chỉ trông chờ vào vạt nương gieo lúa một vụ và ít nông sản đi rừng kiếm về mỗi ngày. Khi con cái lớn dần thì phải lo cho chúng ăn, mặc nhiều hơn nên đói khổ lắm. Từ khi được cán bộ về dạy cách trồng lúa nước hai vụ, đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi lợn, gà, 15 con trâu, bò và trồng tam thất, sa nhân tím mà kinh tế gia đình mình đã ổn định, không phải lo bữa cơm từng ngày như trước.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mường Tè đã đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 đưa Mường Tè ra khỏi diện kém phát triển. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng lên 57,23%, đây là thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương trong công tác giảm nghèo.

Thời gian tới, huyện Mường Tè tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, có ý thức tự vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho người dân, đặc biệt việc hỗ trợ các cây, con giống; phối hợp sở ngành của tỉnh để chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả, giá trị kinh tế cao. 

Mặt khác, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường, luân chuyển cán bộ của huyện xuống xã làm nhiệm vụ giảm nghèo, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại chỗ.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
Khởi sắc vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu
Khởi sắc vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu

Mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh COVID-19, nhưng năm qua huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) vẫn có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, tạo bước đột phá vững chắc đưa huyện biên giới ngày càng phát triển toàn diện, khẳng định vị thế nằm trong trục kinh tế trọng điểm của tỉnh Lai Châu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN