Cụ thể, điểm du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (đối với địa bàn thành phố Đà Lạt) và 10.000 m2 trở lên (đối với các huyện và thành phố Bảo Lộc). Đối với điểm du lịch canh nông có diện tích từ 5.000 - 7.000 m2, diện tích chuyển đổi không quá 5% diện tích đất; quy mô từ 7.000 - 10.000 m2 được chuyển đổi không quá 4% diện tích đất; từ 10.000 m2 trở lên được chuyển đổi không quá 3% diện tích đất. Diện tích đất còn lại chỉ để canh tác nông nghiệp phục vụ du lịch canh nông. Đồng thời, các điểm du lịch canh nông tuyệt đối không được đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại chỗ.
Quy chế này còn quy định nhiều tiêu chí bắt buộc và các tiêu chí khuyến khích để được công nhận điểm du lịch canh nông. Cụ thể như, điểm du lịch canh nông phải có không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; khu vực để xe, khu vực dành riêng cho khách trải nghiệm, khu vực đón tiếp, trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu vực canh tác, chế biến nông sản phục vụ khách tham quan; nhân viên thuyết minh đã được qua đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch…
Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn Lâm Đồng. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 33 điểm du lịch canh nông được công nhận với diện tích triển khai hơn 300 ha, tổng vốn đầu từ gần 400 tỷ đồng. Sau một thời gian triển khai, mô hình du lịch canh nông đã trở thành dịch vụ ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch canh nông thu hút khoảng 6 triệu lượt du khách đến tham quan, với tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm thiếu các hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương nên phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện mô hình du lịch canh nông; một số quy định trong Bộ tiêu chí đã ban hành không còn phù hợp với quy định hiện hành, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình phụ trợ kèm theo phục vụ các khu du lịch canh nông.