Hồ Đankia - Suối Vàng hiện là nguồn cấp nước sinh hoạt duy nhất cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Theo đó, sau khi kiểm tra thực tế vị trí dự kiến xây dựng hồ Đan Kia 2 tại huyện Lạc Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với huyện Lạc Dương kiểm tra, rà soát đưa diện tích khu vực dự kiến xây dựng hồ ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng (nếu có) tại vị trí dự kiến xây đập; đồng thời phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà kiểm tra, rà soát đưa diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực dự kiến xây dựng lòng hồ ra ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp trong quá trình lập và thực hiện dự án quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Theo ông Phạm S, việc xây dựng hồ Đan Kia 2 là cần thiết, nhằm đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt và tạo cảnh quan trong khu vực. Do đó, tỉnh yêu cầu UBND huyện Lạc Dương kiểm kê hiện trạng đất dự kiến thu hồi để xây dựng trong lòng hồ, khái toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 140ha đất có sản xuất nông nghiệp, thực hiện nghiêm việc quản lý diện tích đất lâm nghiệp trong toàn khu vực và trên diện tích dự kiến xây dựng lòng hồ Đan Kia 2.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan liên quan cập nhật vị trí dự kiến xây dựng hồ Đan Kia 2 vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới của tỉnh; đưa dự án xây dựng hồ vào quy hoạch phân khu trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề xuất bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…
Như TTXVN đã phản ánh, hồ chứa nước Đankia - Suối Vàng được xây dựng từ năm 1942 - 1945, sau nhiều năm khai thác nhưng chưa được tiến hành nạo vét nên bị bồi lắng nghiêm trọng, làm giảm dung tích hiện chỉ còn khoảng 12 triệu m3 (so với 20 triệu m3 như thiết kế ban đầu). Những năm gần đây, vào cao điểm mùa khô mực nước trong hồ suy kiệt trầm trọng khiến gần một nửa lòng hồ phía thượng lưu cạn trơ đáy, đặc biệt như mùa khô năm 2021 này, đã gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt của hồ thủy lợi này.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay trên thượng nguồn hồ có khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nguồn nước khoảng 2,6 triệu m3/năm; bên cạnh đó phát sinh nhiều rác thải nông nghiệp, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ở mức cao, ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.