Lào Cai: Nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ chân phụ nữ ở lại với làng

Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 21 - CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”, số phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương, bị mua bán và tự nguyện lấy chồng người nước ngoài trái pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng năm sau giảm hơn so với năm trước.

Ở một số địa bàn, tình trạng này được chấm dứt triệt để. Khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực, nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn để giữ chân phụ nữ ở lại với bản làng đang là biện pháp phòng ngừa được Lào Cai thực hiện một cách có hiệu quả.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Phát huy sức mạnh nội lực

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc những người phụ nữ lựa chọn việc rời khỏi làng bản, quê hương. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là cuộc sống gia đình quá khó khăn dẫn đến người phụ nữ bị bạo hành, ngược đãi, từ đó trở thành nạn nhân cho các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến việc phụ nữ bỏ đi, “ôm” theo giấc mộng đổi đời.

Mười năm trở về trước, cũng giống như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà vẫn tồn tại dai dẳng, trở thành bài toán khó giải với cấp ủy chính quyền địa phương. Xác định nâng cao đời sống kinh tế phụ nữ là lời giải cho bài toán này, Nậm Đét đã tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế và nâng cao thu nhập cho bà con. Hợp tác xã được thành lập đã tạo việc làm cho 300 lao động tại địa phương, bao tiêu sản phẩm và các dịch vụ cho hộ thành viên; xây dựng thành công chứng nhận "Quế hữu cơ quốc tế"; tập trung xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài Lào Cai để chế biến sản phẩm quế, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị cao… Nhờ quế, 8 năm qua, tại Nậm Đét không chỉ xuất hiện nhiều gia đình sản xuất kinh doanh giỏi mà còn có thêm nhiều tỷ phú do phụ nữ làm chủ hộ.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết, 5 năm trở lại đây, tại xã không còn xảy ra trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, đi lao động làm thuê nước ngoài trái pháp luật. Thành công này có được ngoài sự tuyên truyền vận động có hiệu quả của các cấp ủy chính quyền địa phương còn có sự phát triển kinh tế tại địa phương, các tác động của phong trào xây dựng nông thôn mới đã dần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, khảo sát thực tế tại một số xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới cho thấy, nguyên nhân phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương chủ yếu là do đời sống khó khăn, nhận thức của đồng bào hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại. Do đó, thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều dự án tại Lào Cai đã được triển khai hướng đến đối tượng là phụ nữ, nhằm hỗ trợ họ phát triển kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đàn ông cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn.

Trong đó, dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La” (dự án GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ là một trong những dự án để lại nhiều dấu ấn đối với việc nâng cao quyền năng phụ nữ nông thôn, vùng cao Lào Cai.

Sau hai năm triển khai dự án, Lào Cai có 15.914 phụ nữ được đào tạo về kinh doanh và kỹ thuật, 5.944 phụ nữ tham gia vào hợp tác xã hoặc mạng lưới kinh doanh, 2.860 phụ nữ được cung cấp vật tư cho sản xuất, 507 phụ nữ được đề bạt vào vị trí quản lý tổ nhóm, 33 cuộc đối thoại chính sách có phụ nữ tham gia, 1.609 phụ nữ được tập huấn các kỹ năng lãnh đạo tổ nhóm, 9.713 người tham gia khóa đào tạo về giới, 335 phụ nữ có công việc toàn thời gian và 173 phụ nữ có công việc bán thời gian.

Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, công tác ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương tại Lào Cai những năm qua đạt được nhiều dấu hiệu khả quan. Năm 2011, Lào Cai có 700 trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, năm 2018, chỉ còn 42 trường hợp, đến hết tháng 6/2020 giảm xuống còn 16 trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa bàn. Đặc biệt, một số địa bàn trong những năm gần đây đã không còn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương như: thành phố Lào Cai (từ tháng 8/2014), huyện Bảo Yên (từ năm 1/2018), huyện Văn Bàn (từ tháng 1/2020).

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo đánh giá 8 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 25/5/2012 của Tỉnh ủy Lào Cai về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương" nêu rõ: Thực trạng phụ nữ, trẻ em bỏ đi khỏi địa phương, bị mua bán và tự nguyện lấy chồng người nước ngoài trái pháp luật trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có chiều hướng năm sau giảm hơn so với năm trước, nhưng tỷ lệ giảm còn thấp.

Do đó, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Lào Cai xác định sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cơ quan quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý biên giới nhằm ngăn ngừa tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa bàn, đồng thời tiếp tục củng cố, thành lập các Câu lạc bộ "Phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em", “Chia sẻ và trách nhiệm”; các đội thanh niên xung kích tại các địa bàn trọng điểm ở cơ sở; rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả như “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”, “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc giới”, “Nhóm tự lực”, “bạn giúp bạn”, “Địa chỉ tin cậy”...

Ngoài ra, Lào Cai sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát theo dõi thực hiện và xử lý vi phạm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, quản lý hộ tịch, hộ khẩu để kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả việc phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, mua bán phụ nữ, trẻ em. Tỉnh xử lý nghiêm các vụ việc để răn đe, làm gương; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ, tạo việc làm cho nạn nhân trở về sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, các cơ quan chức năng cần khảo sát đánh giá thực trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương để lựa chọn xây dựng mô hình điểm. Sau đó tại mô hình điểm, những người có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền các hệ lụy, các chế tài xử phạt; đồng thời có những cơ chế chính sách để họ phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đặc biệt, các địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy tối đa nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm nâng cao quyền năng, vị thế của họ trong gia đình và ngoài xã hội.

Để giữ phụ nữ ở lại với bản làng, chính những bản làng ấy phải là nơi an toàn, đáng sống, bình yên cho phụ nữ có thể gắn bó lâu dài, sống cuộc đời hạnh phúc. Tuyên truyền, ngăn chặn kiểm soát biên giới... không phải là giải pháp căn cơ nếu như vấn đề cốt lõi nhất là phát huy sức mạnh nội lực của phụ nữ không được cải thiện. Đó không phải là câu chuyện riêng của những phụ nữ vùng cao mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội.

Hương Thu (TTXVN)
Triệt phá đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc
Triệt phá đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc

Ngày 22/6, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phá thành công chuyên án, triệt phá đường dây tội phạm lừa đảo, mua bán người từ địa bàn huyện Mộc Châu sang Trung Quốc, giải cứu thành công em Lường Thị D., sinh năm 1992, trú tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu và bắt giữ đối tượng Hoàng Thị Mai Hương, sinh năm 1984, trú quán tại bản Bến Trai, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN