Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
|
Lễ hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang có xu hướng biến đổi. Ta có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, lễ hội của đồng bào, bắt đầu từ lễ hội truyền thống trọng nông, trở thành lễ hội mang tính chất du lịch. Lúc này, vai trò, quy mô của lễ hội phát triển, thời gian, không gian lễ hội được mở rộng, chức năng lễ hội cũng có những thay đổi, lễ hội không chỉ còn là của làng, mà được mở rộng ra xã, huyện, tỉnh, thậm chí cả vùng, thu hút đông đảo du khách đến tham gia, tìm hiểu.
Du khách đông, đòi hỏi tất yếu phải có dịch vụ về ăn, ngủ để phục vụ khách, phải quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự... và lúc đó, môi trường làng đã như một “chiếc áo chật”, không đủ để đáp ứng được các nhu cầu, nó đòi hỏi phải có một ban tổ chức lễ hội, để quản lý lễ hội tốt hơn.
Theo ông, cần phải làm gì để quản lý, bảo tồn lễ hội của đồng bào một cách tốt nhất?
Có một nguyên tắc trong bảo tồn cần tuân thủ, là lễ hội của cộng đồng, thì phải để cộng đồng làm chủ, chính quyền không được đứng ra làm thay. Muốn phát huy được lễ hội, chúng ta cần bảo tồn những tinh hoa cũ của lễ hội, trong đó, bảo tồn những giá trị lễ hội, đó là giá trị đoàn kết, giá trị uống nước nhớ nguồn, giá trị bảo vệ cộng đồng, giá trị bản sắc văn hóa lễ hội... nhưng đồng thời, chúng ta cũng thấy xu hướng phát triển lễ hội đang ngày càng mạnh, xu hướng trở thành ngành dịch vụ, du lịch. Vì thế chúng ta phải tổ chức hoạt động mang tính dịch vụ du lịch, để đáp ứng nhu cầu của lễ hội, đó là nhu cầu thiết thân.
Tuy nhiên, trong điều kiện lễ hội mở rộng, vai trò của chính quyền là rất quan trọng. Lễ hội thì để người dân làm, còn chính quyền có trách nhiệm định hướng cho lễ hội, quản lý các vấn đề về an ninh, an toàn thực phẩm... Làm được như vậy, chúng ta vừa bảo tồn được lễ hội, vừa góp phần để lễ hội phát triển tốt hơn. Thêm vào đó, với việc thu hút khách du lịch đến tham gia lễ hội, rất dễ dẫn đến sự quá tải của lễ hội. Vì vậy, khi lễ hội phát triển quy mô lớn, một đình làng không thể có sức chứa hàng vạn người, nên việc người đông, chen lấn hoặc lộn xộn là điều khó tránh khỏi. Lúc này, chúng ta không nên vội vàng phê phán do chính quyền địa phương yếu kém trong việc tổ chức quản lý lễ hội, mà chúng ta nên tập trung tìm cách ứng xử sao cho phù hợp, và nên nghiên cứu mở rộng không gian lễ hội, mở rộng chức năng lễ hội, mở rộng cả những dịch vụ hoạt động lễ hội... để lễ hội đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, của du khách.
Việc mở rộng không gian lễ hội của các dân tộc liệu có ảnh hưởng đến việc bảo tồn lễ hội không, thưa ông?
Hiện nay, việc muốn mở rộng hay không mở rộng đã không còn thuộc quyền của mình nữa, mà đó là sự thực khách quan. Khi giao lưu kinh tế - văn hóa phát triển mạnh, nhu cầu mở rộng lễ hội là tất yếu. Hiện nay, đồng bào các dân tộc không còn đóng khuôn trong một làng bản riêng, mà đã được giao thoa, mở rộng ra cả vùng. Tính tiểu vùng và liên vùng chi phối mạnh, nên nó càng có xu hướng mở rộng hơn.
Trong điều kiện như vậy, để có thể quản lý được xu hướng lễ hội mở rộng, bảo tồn được lễ hội, cơ quan quản lý cần phải giữ vững nguyên tắc, đó là, cần bảo tồn được bản chất của lễ hội truyền thống, bảo vệ giá trị, nghi lễ, nghi thức còn thích hợp với cuộc sống đương đại. Bảo tồn cả những sinh hoạt hội hè mang tính đặc sản, mà chỉ ở làng đó, vùng quê đó còn có... để giữ sắc thái của lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, một số lễ hội xuất hiện một số hoạt động như trò chơi hiện đại, rồi các hoạt động thể thao tổ chức lồng ghép... thì chúng ta cũng cần chấp nhận. Bởi nếu chỉ nhìn vào những hoạt động này mà cho rằng, lễ hội biến đổi quá và phê phán là không đúng, và cũng không nên.
Vậy việc bảo tồn các lễ hội của đồng bào dân tộc hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội của đồng bào hiện nay, là ý thức của người dân đang dần được nâng cao, người dân có khả năng bảo tồn, tái sáng tạo lễ hội, thực hành các nghi lễ. Tuy nhiên, khó nhất không phải do dân, mà ở nhận thức của đội ngũ cán bộ ở các ngành, các cấp. Có một thực tế, nhiều lễ hội do ta làm hỏng, chứ bản thân lễ hội không hỏng. Ví dụ, một lễ hội gầu tào, mà có ông chủ tịch huyện, hoặc chủ tịch xã đứng ra đọc diễn văn, treo băng rôn, biểu ngữ chào mừng tưng bừng, như vậy là hỏng. Theo tôi, phải loại bỏ lối tư duy chính quyền đứng ra làm lễ hội thay dân, tuân thủ nguyên tắc, lễ hội của dân, phải để dân làm và tuân theo truyền thống của người dân. Cơ quan quản lý không can thiệp thô bạo vào lễ hội, vì như vậy sẽ làm hỏng lễ hội.
Xin cảm ơn ông!