Về nguồn gốc tên núi đến nay vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau. Có người cho rằng núi này ngày xưa gọi là Tà Sư vì có nhiều đạo sĩ, cũng có người nói trước đây có vị tu sĩ tên Trà tu trên núi. Ngày nay, tên núi Trà Sư còn được sử dụng cho khóm Trà Sư (TT. Nhà Bàng), kinh Trà Sư (xã Nhơn Hưng), rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo).
Núi Trà Sư là một điểm du lịch tâm linh, hiện nay có nhiều chùa chiền, hang động, và những điện thờ, miếu thờ được những người sống trên núi dựng lên. Đường lên núi Trà Sư hiện nay được tráng xi măng thành những nấp thang dễ đi, hằng ngày có đông đảo khách hành hương, khách du lịch lên núi. Vì độ cao không lớn nên khách du lịch sẽ không mất nhiều thời gian để lên núi.
Đến núi Trà Sư, bạn không chỉ có thể ngắm cảnh xinh đẹp vùng núi biên thùy, mà còn tìm được cho mình những giây phút bình yên trong tâm hồn. Dọc đường lên núi có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Hòa Long cổ tự, Năm Căn cổ tự, chùa Bồng Lai, chùa Hòa Sơn… Nhiều am, miếu, điện do nhân dân lập để thờ các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như Cửu Huyền, Bà Chúa xứ, Sơn Thần, Thần Nông, Ông Hổ...
Trên núi có hai hòn đá khổng lồ lăn từ trên đỉnh núi xuống vào năm 1991, một hòn nặng khoảng 1 tấn và hòn kia khoảng 300kg. Hai tảng đá không lăn thẳng xuống dốc mà lăn vòng vào miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ do nhân dân lập. Điều lạ là hòn đá chỉ làm bể vách tường sau lưng miếu rồi đứng yên tại đó. Lên đến đỉnh núi có Sân Tiên rộng lớn và một tảng đá khổng lồ sừng sững giữa trời.
Đối diện với núi là khu tháp Cửu Trùng Đài, được xây dựng đầu thập niên 1970, với mục đích đại đồng tôn giáo. Khu tháp gồm ba tòa tháp theo thứ tự từ thấp đến cao: tháp trệt, tháp 3 tầng và cao nhất và tháp 9 tầng. Các tháp đều được trang trí đẹp mắt, trang nhã, đứng từ trên đỉnh tháp bạn có thể quan sát toàn cảnh thị trấn Nhà Bàng.