Thực hiện chỉ đạo trên, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị được Sở Xây dựng Long An - đơn vị chủ trì giám định, chọn làm đơn vị giám định. Qua kết quả giám định, có 2 nguyên nhân dẫn đến công trình sạt lở.
Theo đó, nguyên nhân khách quan là công trình nâng cấp, gia cố trên cơ sở nền đê hiện hữu. Phần lớn tuyến đường chỉ dừng ở cấp độ gia cố nền đê. Tại khu vực xảy ra sự cố bắt buộc tư vấn thiết kế phải tôn thêm nền đường hiện hữu để có thể nối đường dẫn vào công trình cầu Đầu Sấu. Với chiều cao tôn thêm 1,48m, riêng phần tĩnh tải đã tác dụng lên nền thêm khoảng 2,66 tấn/m2. Khi đưa công trình vào khai thác, nền đường phải chịu thêm phần hoạt tải xe, vượt quá sức chịu tải của đất nền, dẫn đến công trình bị phá hoại.
Bên cạnh đó, do dự án không triển khai hạng mục khảo sát địa chất nên tư vấn thiết kế không đủ cơ sở để thiết kế gia cố nền đường tại khu vực này. Tuy nhiên, việc không thực hiện hạng mục khảo sát địa chất là phù hợp với các quy định trong tiêu chuẩn khảo sát đường ô tô hiện hành cho cấp đường tuyến đê bao.
Về nguyên nhân chủ quan, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị tư vấn thẩm tra không thực hiện các bảng tính toán kiểm tra ổn định nền đường (có thể sử dụng số liệu địa chất của hố khoan tại cầu Liên Kết) để tư vấn cho Chủ đầu tư. Tuy nhiên, thiếu sót của 2 đơn vị là không đáng kể.
Bởi thực tế, kết quả của các bảng tính này cũng chỉ dừng ở mức độ tham khảo; công tác đo đạc, quan trắc lún của các bên liên quan trong quá trình nghiệm thu bàn giao và tiếp nhận công trình còn hạn chế. Với số liệu địa chất, địa hình công trình, tại thời điểm nghiệm thu (27/6/2022) nền đường chắc chắn đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lún, nứt rạn… nhưng các bên vẫn không phát hiện ra.
Hiện quy mô nền đường hoàn thành thi công khắc phục sự cố giai đoạn 1, gồm gia cố cừ bạch đàn và neo thép vị trí tại chân taluy hiện hữu, kết hợp hạ cao độ mặt đường hoàn thiện mặt đường bên trên của đường nhằm giảm tải trọng khối đắp nền đường trên nền đất yếu, tăng độ ổn định nền đường, nhưng vẫn đảm bảo cao độ vai đường cao hơn mực nước lũ cao nhất của những năm gần đây (+2,60m). Sau 3 tháng khi nền đường ổn định đạt yêu cầu kỹ thuật, các đơn vị liên quan tiến hành giai đoạn 2 để thi công các lớp kết cấu áo đường và hoàn thiện mặt đường.
Tổng giá trị dự toán chi phí xây lắp khắc phục đoạn sự cố trên là hơn 560 triệu đồng, được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp và không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Trước đó, TTXVN thông tin, công trình Nâng cấp, gia cố tuyến đê bao bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây kết hợp giao thông nông thôn phục vụ sản xuất lúa bền vững xã Vĩnh Bình và Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng được triển khai thi công từ tháng 10/2021 và hoàn thành nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng ngày 27/6/2022.
Tuy nhiên, đến khoảng 8 giờ 30 ngày 8/7, đoạn đê xảy ra sự cố tại đầu tuyến công trình, lý trình từ Km0+20 đến Km0+080, chiều dài 60m, thuộc xã Tuyên Bình Tây, trong đó có 46m gần như toàn bộ thân đê bị sụt lún hoàn toàn, sâu từ 3-5m, 14m ở đầu đoạn có vết rạn nứt. Đoạn đê bị sụt lún dẫn đến hiện tượng trồi bùn trong lòng kênh cặp tuyến đê, kéo theo làm sập 1 cầu tạm phục vụ dân sinh bắc qua kênh. Thời điểm xảy ra sự cố không có phương tiện, người qua lại nên không có thiệt hại về người và tài sản.