Tại tỉnh Gia Lai hiện có trên 45.000 hộ nghèo, với trên 80% là người dân tộc thiểu số, do đó, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương được gắn chặt với nhiệm vụ giảm nghèo. Là một trong những kênh hỗ trợ người nghèo, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho vay đối với các hộ nghèo, đặc biệt người dân tộc thiểu số. Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo mỗi năm.
Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, chị Kpă Xê Ra, thôn Ia Mua, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông (Gia Lai) rộn ràng tiếng cười nói, chúc mừng của bà con gần xa khi hay tin gia đình chị có căn nhà mới. Chị Xê Ra cho biết, trước đây, do không biết cách chăm sóc nên 2 ha cà phê của gia đình năng suất không cao. Gia đình chị Xê Ra được tổ tín dụng của làng hỗ trợ làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội dành cho hộ nghèo. 50 triệu này được kéo dài thời gian trả nợ trong 5 năm, với lãi suất ưu đãi hơn 6%/năm, được trả lãi và một phần gốc hàng tháng.
Từ đó, chị Xê Ra đã mạnh dạn mua phân bón cà phê và trồng thêm 600 cây cà phê mới, được hỗ trợ về cả kiến thức trông trọt. Nhờ hiệu quả từ vườn cây, hàng năm, trừ chi phí, chị thu về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Phần lớn số tiền tiết kiệm được sau nhiều năm, chị Xê Ra dành xây ngôi nhà mới và dự định năm tới sẽ mua thêm 2 con bò để tăng gia sản xuất.
Những năm qua, trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội luôn lấy mô hình trang trại làm nòng cốt. Thông qua đó sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ cây, con giống, tạo nền tảng bước đầu để bà con xây dựng trang trại, hay hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng năng suất, sản lượng và thu nhập. Ngoài ra, mô hình phát triển kinh tế trang trại cũng tận dụng tối đa nguồn lao động của gia đình, quỹ đất và nhiều lợi thế khác để phát triển.
Trước đây, gia đình chị Nay H’Yên ở làng Kuk Tung, xã Tơ Tung, huyện K'bang thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được chính quyền xã Tơ Tung tuyên truyền, động viên, tạo điều kiện cho chị đi học các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt để xây dựng kinh tế trang trại. Sau khi học xong, chị Nay H’Yên lại được tạo điều kiện cho vay vốn để mua cây trồng, con giống về nuôi. Chỉ sau 3 năm được hỗ trợ cây, con giống và được hướng dẫn cách nuôi trồng, đến nay, khu vườn của gia đình chị đã được cải tạo xanh tốt với các loại cây như tre, chuối... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nay H’Yên cho hay: "Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để thoát nghèo. Giờ đây, gia đình tôi đã có nhà kiên cố, có phương tiện sản xuất và đầy đủ vật dụng sinh hoạt cần thiết. Tết năm nay gia đình tôi vui lắm, mua sắm Tết đầy đủ cho con cái".
Theo thống kê của Ngân hàng chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, sau 20 năm hoạt động, ngân hàng đã triển khai được mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp tới hơn 220 xã, trên toàn bộ 17 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Gia Lai. Cùng với đó là trên 3.300 tổ tiết kiệm và vay vốn, mà tổ trưởng chính là những người uy tín trong thôn, làng. Với lối tuyên truyền sâu sát, gần gũi và thiết thực, đây chính là "cánh tay" nối dài giúp cho nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đến tận tay người nghèo. Thông qua 17 chương trình tín dụng lớn, đơn vị đã triển khai cho trên 225.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận trên 16.800 tỷ đồng.
Đối với một tỉnh miền núi như Gia Lai, nguồn vốn chính sách tín dụng đã phát huy hiệu quả vai trò, tạo những chuyển biến tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, đây vẫn sẽ tiếp tục là một trong những trụ đỡ để địa phương triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời là người bạn đồng hành của người nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, tạo dựng tương lai mới ấm no, hạnh phúc hơn
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, ông Lê Văn Chí cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai huy động mọi nguồn lực để mở rộng cho vay các đối tượng hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các sở ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội để chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Quản lý vốn vay, hướng dẫn, vận động hộ vay mạnh dạn vay vốn làm ăn để phát triển sản xuất. Hướng hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.