Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Ia Grai đạt 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 40 triệu đồng. Kinh tế huyện chủ yếu phát triển dựa vào diện tích cây công nghiệp như điều, cà phê, tiêu, cao su. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2015.
Phát triển sinh kế cho người dân
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, là một huyện biên giới có vị trí địa chiến lược về an ninh, quốc phòng, Ia Grai xác định việc phát triển sinh kế cho người dân sẽ góp phần trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Với lợi thế về cây công nghiệp cũng như đất bazan, vị trí địa lý, đường sá cũng như hệ thống sông hồ, thủy điện, thác và các sản phẩm cây công nghiệp đa dạng, Ia Grai sẽ tập trung cho phát triển công nghiệp, đô thị, đặc biệt là phát triển du lịch.
Cách thành phố Pleiku hơn 15 km, huyện Ia Grai có các tuyến đường giao thông lớn kết nối trung tâm thành phố Pleiku, liên tỉnh, liên huyện, liên vùng đi qua địa bàn huyện. Đây cũng là một trong những lợi thế về phát triển du lịch địa phương. Các tuyến đường đi lại thuận lợi, các điểm du lịch nằm gần nhau, trải dài, đa dạng hình thức.
Nhiều năm nay, hoạt động du lịch tại Ia Grai có sự chuyển biến tích cực về mặt chủ trương, định hướng và hành động. tác xúc tiến, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của huyện đến du khách trong và ngoài nước được chú trọng; bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư đến khảo sát; lượng khách đến tham quan tăng so với giai đoạn trước. Các sự kiện văn hóa, du lịch tạo hiệu ứng cao, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo lượng khách tham quan, nhất là Lễ hội đua thuyền trên sông Pôcô lần thứ nhất và lần thứ hai, tham quan lòng hồ thủy điện Sê San 4, thác Mơ, di tích lịch sử.
Theo bà Ksor H'Nga, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ia Grai, điểm nhấn tại Ia Grai là có các vùng cây ăn trái với diện tích lớn như chôm chôm, sầu riêng, bơ, mít, ổi đã cho thu hoạch trong các khu vực nhiều sông suối. Nhìn tổng quan, có thể phát triển du lịch miệt vườn, vừa tham quan, vừa bán các sản phẩm trái cây, tương tự các mô hình du lịch kiểu như miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, việc kết hợp du lịch sinh thái trên sông Sê San, sông Pôcô, các thác nước cùng với việc bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như hạt điều sấy, mật ong, cà phê, tiêu sẽ thành mô hình du lịch khép kín, thuận tiện để du khách đến với Ia Grai. Huyện còn có hướng phát triển du lịch trải nghiệm tại diện tích xung quanh chân các trụ điện gió đang xây dựng tại địa phương. Đường sá thuận lợi, gần sân bay thành phố Pleiku, nhiều điểm đến và đa dạng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thời gian tới, du lịch Ia Grai sẽ có cơ hội phát triển mới, góp phần giúp nâng cao đời sống người dân huyện biên giới.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết, hiện địa phương có 70 ha cây chôm chôm đang cho thu hoạch. Với nhu cầu thị trường, huyện đang dần chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, bước đầu cho giá trị kinh tế khá cao. Hiện diện tích này đang được người dân mở rộng. Nếu kết hợp với du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, lượng trái cây của huyện Ia Grai sẽ có đầu ra ổn định và mạnh hơn.
Đẩy mạnh liên doanh, liên kết
Với định hướng phát triển sinh kế cho người dân gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, thời gian tới, huyện Ia Grai sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.
Chị Nguyễn Thị Thảo, Chủ Cơ sở rang xay cà phê sạch nguyên chất Thảo Hiên, thị trấn Ia Kha, có hơn 3 ha cà phê trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Mỗi năm, vườn cà phê hữu cơ này cho thu hoạch 13-15 tấn nhân. Gia đình chị còn lựa chọn, thu mua thêm của người dân 10 tấn cà phê nhân để đảm bảo nguồn xuất bán ra thị trường khoảng 15-16 tấn cà phê bột mỗi năm. Hiện cơ sở Thảo Hiên có các sản phẩm: Bột cà phê cao cấp, cà phê pha phin, hạt pha máy. Trừ chi phí, cơ sở cà phê của chị Thảo thu về 700-800 triệu đồng mỗi năm. Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 người và gần 20 người phục vụ trong thời điểm thu hái cà phê.
Chị Thảo cho hay, ngoài nguồn cung cấp cho các hệ thống siêu thị, tạp hóa trên địa bàn, cơ sở cà phê của chị còn bán cho các điểm dịch vụ du lịch. Du khách đến tham quan, du lịch tại huyện Ia Grai đều ghé đến mua cà phê Thảo Hiên làm quà tặng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng lợi thế cây trồng địa phương, gia đình chị Thảo đã chế biến thêm sản phẩm hạt điều sấy khô để phục vụ du khách.
Thời gian tới, huyện Ia Grai chú trọng, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, trên diện tích cây công nghiệp và lúa nước kém hiệu quả. Huyện mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước hồ đập thủy điện, thủy lợi để nuôi trồng thủy sản, chú trọng đưa giống mới, con nuôi đặc sản vào nuôi trồng để tăng giá trị. Bên cạnh đó, huyện kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp như nuôi trồng đánh bắt thủy sản trên sông; trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cao.
Gia đình anh Nguyễn Quyết Thắng, xã Ia Rtô có 1 ha chôm chôm, gần 100 cây sầu riêng, mít, ổi đang cho thu hoạch. Gia đình còn có diện tích mặt hồ khá lớn. Sau khi tìm hiểu và được chính quyền địa phương ủng hộ, anh và bà con trong khu vực đang xúc tiến xây dựng các chòi câu cá trên các mặt hồ để làm du lịch sinh thái. Khi đến tham quan, trải nghiệm, du khách có thể câu cá, vào vườn hái trái cây và mua các sản phẩm OCOP của địa phương về làm quà tặng.
"Với quan điểm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Ia Grai sẽ đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có ý định đầu tư, phát triển du lịch tại địa phương" - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý nhấn mạnh.