Nguồn vốn này gồm: ngân sách Trung ương gần 200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 35 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách trên 25 tỷ đồng.
Trong số này, tỉnh bố trí trên 18 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số; dành 12,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hơn 113 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tỉnh bố trí hơn 48 tỷ đồng đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường Phổ thông dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trên 15,2 tỷ đồng thực hiện hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Nguồn kinh phí còn lại, tỉnh thực hiện hoạt động bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em...
Tỉnh đề ra chỉ tiêu trong năm 2024 sẽ hỗ trợ đất ở cho 25 hộ, nhà ở cho 319 hộ, chuyển đổi nghề cho 203 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 175 hộ; tiếp tục xây dựng 3 công trình nước tập trung ở huyện Trà Cú; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, năm 2023, Trà Vinh thực hiện 9/10 dự án và 10/14 tiểu dự án, với tổng kinh phí gần 452 tỷ đồng. Đến hết tháng 1/2024, tỉnh giải ngân đạt 41,31% so với vốn phân bổ. Trong năm, tỉnh hỗ trợ đất ở cho 34 hộ, nhà ở 767 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 261 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 121 hộ; đầu tư mới 3 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tỉnh đầu tư nâng cấp 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, xây mới một chợ, nâng cấp 5 chợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…
Năm 2023, Trà Vinh giảm gần 2.000 hộ nghèo, trong đó có hơn 1.400 hộ nghèo dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; trong đó, có 1.830 hộ Khmer, chiếm 2,03% so với tổng số hộ Khmer trong tỉnh. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giảm 0,3% hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 0,5%.