Dai dẳng tình trạng tảo hôn
Theo quy định pháp luật, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi mới đủ điều kiện kết hôn. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhất là các xã vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn) vẫn tồn tại, nhiều nơi có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy buồn. Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra khá phổ biến, nhất là các em trong độ tuổi từ 14 đến 16. Cá biệt, có những trường hợp các em đã lấy chồng từ khi mới chỉ 13 tuổi.
Trong căn nhà của bố mẹ nằm ở nơi lưng chừng núi thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, đôi vợ chồng Sồng Thị Nu và Mùa A Nhè dù mới 16 tuổi, nhưng đã về ở chung với nhau được 2 năm. Cả hai biết đến nhau khi đang theo học dở dưới mái trường phổ thông dân tộc nội trú, sau đó cùng nghỉ học khi mới hết lớp 9. Vì chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nên đôi vợ chồng này chưa thể làm đám cưới. Vài tháng nữa sẽ đến kỳ sinh nở, nhưng hiện tại cả hai vợ chồng vẫn phân vân chưa biết sẽ nuôi con như thế nào.
Em Mùa A Nhè cho hay: “Hai vợ chồng nghỉ học để ở nhà làm nương, trồng sắn với trồng ngô. Nhưng do vợ có bầu nên nguồn thu nhập từ làm nương không đủ trang trải cuộc sống. Hàng tháng, hai vợ chồng vẫn phải trông chờ vào bố mẹ đi làm thuê ở dưới xuôi gửi tiền về để mua dầu ăn, mua gạo”.
Dù biết việc lập gia đình sớm sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhiều học sinh đang trong “tuổi ăn, tuổi lớn” vẫn bỏ học. Đã 2 năm trôi qua, nỗi nhớ trường, nhớ lớp vẫn cháy trong lòng Phàng Thị Cha (xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên). Nghỉ học, về nhà chồng, Cha cũng dần quen với việc làm nương, làm rẫy, thêu thùa. Nhưng Cha vẫn muốn có cơ hội một ngày nào đó được quay trở lại lớp cũ, trường xưa.
Phàng Thị Cha bày tỏ: "Lúc biết em có ý định lấy chồng các thầy cô giáo cũng khuyên là em là còn nhỏ, cố gắng đến trường học để sau này thoát nghèo. Nhưng em vẫn quyết định đi lấy chồng”.
Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có giảm, nhưng vẫn còn cao. Năm 2022, toàn tỉnh có gần 700 trường hợp tảo hôn, chiếm 10,5% số cặp vợ chồng. Riêng trong Quý I/2023, toàn tỉnh có 335 cặp tảo hôn, chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái. Các huyện có nhiều trường hợp tảo hôn gồm: Phù Yên 70 trường hợp; Bắc Yên 67 trường hợp; Mường La 48 trường hợp. Đây là vấn đề xã hội khá nan giải bởi những tập quán lạc hậu của một số cộng đồng vùng dân tộc thiểu số không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La thông tin: “Trong những năm vừa qua, tỷ lệ tảo hôn có giảm nhưng rất chậm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội rất phổ biến, trong khi ở độ tuổi vị thành niên các cháu rất tò mò và tiếp cận rất nhanh. Do đó, chưa hiểu hết hậu quả của việc lấy chồng sớm, lấy chồng chưa đúng độ tuổi. Vì thế, dù đơn vị triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhưng hiệu quả vẫn chưa cao”.
Cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 10,5% năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn cao so với những địa phương khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn như: Một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào còn hạn chế. Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt. Toàn tỉnh Sơn La có trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra với nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La Nguyễn Thị Ánh Hồng thông tin thêm: “Đơn vị tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, lồng ghép trong các cuộc họp bản, sinh hoạt đoàn thể bản nội dung giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã, bản đặc biệt khó khăn. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống”.
Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: “Thực hiện đề án, các địa phương đã vào cuộc triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều huyện, thành phố tập trung vào truyền thông trong đối tượng là các em học sinh Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn bản cũng sẽ là cầu nối, cánh tay đắc lực để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn”.