Đi dọc tuyến quốc lộ 3 qua địa phận huyện Chợ Mới, có thể thấy hai bên đường có nhiều điểm sạt lở, có điểm đã được khắc phục, nhưng còn đó những điểm sạt lở khối lượng lớn chưa được khắc phục triệt để và có thể tiếp tục sạt bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nhiều nhà dân nằm ven đường quốc lộ, một bên là núi cao, một bên là dòng sông Cầu.
Phía sau nhà các hộ dân ở khu vực Nà Khon, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới là nửa quả đồi đang chờ sạt xuống bất cứ lúc nào. |
Ông Dương Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Mới cho biết: Hiện nay trên địa bàn thị trấn có nhiều điểm sạt lở và ngập úng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tại tổ 2, nhiều hộ dân nằm sát bờ sông Cầu mỗi khi nước lên cao xoáy sâu vào gần nhà gây sạt lở, có điểm nước xoáy sâu vào gần 7 m gây sạt lở đoạn dài hơn 40 m rất nguy hiểm. Ngoài ra còn đoạn cống chảy ra sông Chu hiện nay cũng bị sạt lở nhiều, vào gần sát nhà dân. Chính quyền cũng đã thống kê những điểm sạt lở và trình lên UBND huyện để xin kinh phí xây bờ kè chống sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí và những điểm sạt lở vẫn chưa được khắc phục, người dân vẫn phải sống chung với “lũ”.
Gia đình anh Lê Đình Hòa, tổ 1, thị trấn Chợ Mới đang xây một ngôi nhà 3 tầng khang trang, tuy nhiên nhà anh lại nằm gần quả đồi đã bị sạt lở một lần nên anh vẫn nơm nớp lo sợ. Anh Hòa chia sẻ: Chỗ này cũng bị sạt lở một lần nhưng không nguy hiểm, gia đình đã tự khắc phục và bạt bớt đất ở taluy dương để không bị sạt lở tiếp. Tuy nhiên phía bên trên là đất đồi nên mưa lớn, đất đá vẫn trôi xuống nhiều và nguy cơ sạt lở vẫn còn. Gia đình anh ở đây lâu rồi, biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải xây nhà vì không biết đi đâu.
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Nà Khon, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, nằm bên quốc lộ 3, sau ngôi nhà chị là đồi núi cao trồng rừng. Chị Thúy cho biết, mỗi lần mưa to là một nỗi khổ, nước và đất đá trên đồi chảy xuống tràn vào nhà, chỉ sau một đêm thì đất đá tràn bẩn hết khoảng sân trước cửa. Chuồng trại, nhà bếp phía sau nhà đã bị nứt và đổ tường mấy lần, gia đình phải xây đi xây lại mà vẫn không yên tâm. 3 gian chuồng để nuôi lợn phía sau nhà chị nằm chênh vênh dưới chân đồi đã bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Tường nứt đổ và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào nên chị không dám nuôi thêm lứa lợn nào mà vẫn để chuồng trống từ lâu.
Cũng như gia đình chị Thúy, ngôi nhà của gia đình bà Lưu Thị Sen nằm ngay dưới chân đồi. Bà Sen cho biết: Mỗi lần mưa to, nước cuốn theo đất đá chảy ầm ầm vào trong nhà, sau mỗi trận mưa phải rửa lại toàn bộ nhà cửa. Mọi người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, những đêm mưa lớn không dám ngủ ở nhà mà phải lánh sang nhà họ hàng ở tạm. Đã có lần mưa to xã phải thông báo toàn bộ dân phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm này. Các hộ dân cũng đã họp và ý kiến nhiều lần, chỉ mong muốn làm sao sớm xây dựng bờ kè để người dân yên tâm.
Bên cạnh nhà bà Sen, chị Thúy, còn có trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn chục hộ dân sinh sống và một cây xăng đang chịu ảnh hưởng vì sạt lở đất. Theo quan sát của phóng viên, phía sau những ngôi nhà này là một quả đồi đã bị sạt lở và sụt lún. Đất đá từ trên cao tràn xuống làm cho một số công trình phụ và hoa màu của người dân bị vùi lấp, nước tràn vào nhà, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bà con. Để khắc phục tạm thời, nhiều hộ dân đã xây dựng tường chắn để ngăn không cho đất đá tràn vào nhà nhưng vẫn không ăn thua. Cứ sau một trận mưa lớn là tường lại bị đất đá trôi xuống làm nứt hoặc đổ vỡ, lại phải xây lại. Phía bên trên cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài, nếu không được khắc phục sớm thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và nếu khối lượng đất đá tràn xuống sẽ nuốt trọn toàn bộ những ngôi nhà nhỏ bé này.
UBND huyện Chợ Mới đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở cho những hộ dân khu Nà Khon. Tuy nhiên sau hơn 1 năm xây dựng thì công trình đã tạm dừng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Chợ Mới cho biết: Do thiếu vốn nên công trình xây dựng được khoảng 60% khối lượng thì phải dừng lại. Mùa mưa vừa qua đã xuất hiện một số mạch nước ngầm tại nhiều vị trí trên thân kè gây nứt, sụt lún, không thể thi công được. Bên cạnh đó, khu vực này có kiến tạo địa tầng tương đối phức tạp, không đồng nhất, từ cọc số 9 đến cọc số 12 xuất hiện nhiều vết lõm, đất đá tại vị trí này bị phong hóa mạnh hơn. Đất ở đây chủ yếu là đất sét nên ngậm nước và dễ sạt lở gây khó khăn cho đơn vị thi công. UBND huyện cũng đã họp bàn và kiến nghị UBND tỉnh để xem xét điều chỉnh, tăng nguồn vốn để tiếp tục thi công, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.