Ba tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo khái quát thực trạng và định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, hiện khu vực miền núi phía Bắc còn các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí/xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn đạt 5,94, tăng từ 3 - 4 tiêu chí/xã, nhưng chỉ bằng 1/2 so với bình quân chung cả nước và chủ yếu tập trung vào các tiêu chí mềm như quy hoạch, tỷ lệ lao động có việc làm và an ninh trật tự. Phần lớn, những xã đạt dưới 10 tiêu chí đều thuộc đối tượng các xã đặc biệt khó khăn.
Từ khi có nhà văn hóa, mọi sinh hoạt cộng đồng của người dân thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) trở nên thuận tiện hơn. Ảnh: Quang Cường - TTXVN |
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau, song để hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, qua thực tế cho thấy cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, đầu tàu và có sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Cùng với đó, các chính sách, chương trình và sự hỗ trợ từ tỉnh đến các cấp, ngành, chính quyền địa phương đều tập trung phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, tạo nền tảng kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, mặc dù những năm qua, Quốc hội, và Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nhưng do những địa phương này có xuất phát điểm quá thấp, nên kết quả đạt được chưa cao. Tuy nhiên, một số xã đặc biệt khó khăn nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới (19 xã).
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều nhất trí, việc xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, vướng mắc cơ bản như nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí chưa tương xứng, đặc biệt ở vùng khó khăn. Thời kỳ đầu nguồn vốn đầu tư mang tính cào bằng, bình quân chưa phù hợp thực tiễn, thiếu hướng dẫn cụ thể. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, quyết toán phức tạp.
Nhiều tiêu chí không phù hợp
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn tiêu chí vẫn chưa phù hợp với điều kiện đặc thù ở các vùng khó khăn, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Sản xuất tuy có chuyển biến nhưng còn manh mún, thiếu điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa nội dung chương trình, thiếu chú trọng đến hoạt động duy tu bảo dưỡng vận hành công trình sau đầu tư nên mau xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp.
Nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân tại xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. ảnh: Đức Hiếu-TTX |
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thực tế 5 năm xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai, địa phương rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là muốn thực hiện chương trình đạt hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo cụ thể, sâu sát và liên tục, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nông thôn mới phù hợp và thiết thực. Việc thực hiện được công khai, minh bạch với sự tham gia giám sát của người dân, nhất là trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi… Địa phương quan tâm phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, cần huy động sự đóng góp, tham gia của doanh nghiệp, người dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu cũng đã thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như: đẩy mạnh phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh". Bên cạnh đó, giải pháp có cơ chế khen thưởng đối với các xã đặc biệt khó khăn, có nỗ lực cao (ví dụ xã tăng thêm 7 - 8 tiêu chí/xã trong 5 năm) cũng được đưa ra.
Cùng với việc rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nhất là đối với các vùng đặc thù, xã khó khăn; sửa đổi bổ sung tiêu chí phù hợp với các xã khó khăn (áp dụng tiêu chí linh hoạt), các đơn vị chức năng cần phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp trong xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, người dân - cộng động. Đồng thời, ưu tiên nâng cao năng lực cán bộ công tác xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến địa phương, nhất là cán bộ cơ sở.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Cuối năm 2014, tỉnh có 9 xã được công nhận xã nông thôn mới, dự kiến hết năm 2015 có thêm 11 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 20 xã. Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh thực hiện được 2.208,57 km đường giao thông liên thôn, xã; trong đó 1.247,13 km đã được bê tông hóa.
Trước đó, đoàn đại biểu cán bộ xây dựng nông thôn mới các tỉnh và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã đến tham quan mô hình nông thôn mới ở các xã Bản Lầu, Bản Sen của huyện Mường Khương (Lào Cai).